Lộ nhóm doanh nghiệp khai thác than trái phép, thu lời hơn 375 tỷ đồng

  • 09/05/2023 11:04:35

Viện kiểm sát Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố đối với Châu Thị Mỹ Linh (SN 1970, Giám đốc Công ty cổ phần Yên Phước) và 32 bị can khác trong vụ án vi phạm quy định về khai thác tài nguyên xảy ra tại Mỏ than Minh Tiến (Thái Nguyên)...

 

Lộ nhóm doanh nghiệp khai thác than trái phép, thu lời hơn 375 tỷ đồng

Ảnh minh họa.

Các bị can bị truy tố về các tội Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên, Mua bán trái phép vật liệu nổ, sử dụng trái phép vật liệu nổ, Mua bán trái phép hóa đơn, Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

KHAI THÁC TRÁI PHÉP HƠN 3,1 TRIỆU TẤN THAN

Theo cáo trạng, Công ty Yên Phước có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, được cấp phép khai thác khoáng sản từ năm 2014.

Tháng 3/2019, Linh và Công ty Đông Bắc Hải Dương thỏa thuận khai thác than tại mỏ than Minh Tiến. Theo đó, Công ty Đông Bắc Hải Dương mua toàn bộ số than Công ty Yên Phước đã khai thác còn tồn ở mỏ, mua toàn bộ máy móc thiết bị khai thác và trực tiếp khai thác than với công suất tối thiểu 400.000 tấn than/năm, gấp 47 lần trữ lượng được cấp phép.

Để thực hiện thỏa thuận, Linh giao cho Ngụy Quang Thuyên quản lý mỏ than và chỉ đạo nhân viên theo dõi số lượng sản phẩm than vận chuyển ra khỏi mỏ, lập hồ sơ, chứng từ hợp thức việc nộp thuế, phí…

Cáo buộc thể hiện, từ tháng 3/2019 đến tháng 8/2021, Công ty Đông Bắc Hải Dương đã khai thác trái phép với tổng khối lượng hơn 3,1 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm, gấp 23,4 lần tổng sản lượng được cấp phép của thời hạn 18 năm; với công suất gấp 115 lần so với cấp phép.

Có 1,1 triệu tấn than, hơn 330.000 tấn bã sàng và hơn 89.000 m3 đá đen trị giá hơn 174 tỷ đồng đã được tiêu thụ. Còn lại hơn 1,5 triệu tấn chưa kịp tiêu thụ thì bị cơ quan chức năng thu giữ.

Để tiêu thụ số lượng than khai thác trái phép, Công ty Đông Bắc Hải Dương hợp thức hóa đầu vào bằng cách mua hóa đơn giá trị gia tăng từ hai nhóm doanh nghiệp do Trần Ngọc Hán, La Xuân Hữu chỉ đạo, điều hành.

Tổng số tiền Châu Thị Mỹ Linh thu lợi từ việc khai thác trái phép là hơn 151 tỷ đồng. Bị can khai đã viết séc cho thân nhân rút tiền mặt, sử dụng chi dùng cá nhân, trả nợ…

Cho đến nay, cơ quan điều tra đã tạm giữ hơn 27,4 tỷ đồng do các tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp để khắc phục hậu quả.

Công an đã kê biên, tạm dừng giao dịch đối với 61 bất động sản và 6 xe ô tô. Phong tỏa tài khoản hơn 1 tỷ đồng của bị can Ngụy Quang Thuyên.

Trợ lý Ngụy Quang Thuyên được hưởng lợi số tiền 9,7 tỷ đồng từ việc tự ý thỏa thuận bán than và khoáng sản đi kèm cho Công ty Đông Bắc Hải Dương.

Ngoài ra, lợi dụng việc Công ty Yên Phước được cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, Linh đã chỉ đạo cấp dưới mua thuốc nổ và kíp nổ rồi bán lại trái phép cho một số đối tượng khai thác than hầm lò.

Kết quả điều tra xác định, tổng số tiền thu lợi của 2 nhóm Công ty Yên Phước và Công ty Đông Bắc Hải Dương là hơn 375 tỷ đồng.

Trong vụ án này, Viện kiểm sát xác định Linh là chủ mưu thực hiện hành vi Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên và Mua bán trái phép vật liệu nổ. Hiện bị can mới khắc phục 4 tỷ đồng.

THANH TRA “PHỚT LỜ” SAI PHẠM DOANH NGHIỆP

Để xảy ra việc khai thác trái phép than mỏ Minh Tiến trong thời gian dài, gây thất thoát về tài sản, khoáng sản của Nhà nước có trách nhiệm của các cá nhận tại Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên. Việc mua bán trái phép vật liệu nổ có trách nhiệm của các cá nhân tại Sở Công thương Thái Nguyên.

Kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên các năm 2015, 2016, 2017 đều có nội dung kiểm tra Mỏ than Minh Tiến. Tuy nhiên, cơ quan này không thực hiện thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch mà chỉ tham gia 4 lần thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh, theo kiến nghị của người dân và phản ánh trên báo chí.

Trong các lần kiểm tra nêu trên, Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường là Trưởng đoàn nhưng lại không trực tiếp tham gia Đoàn kiểm tra.

Cáo buộc thể hiện, ông Giang chỉ căn cứ vào số liệu khai thác do Công ty Yên Phước báo cáo rồi và đưa vào kết luận kiểm tra mà không tiến hành kiểm tra, giám định sản lượng than thực tế.

Công ty Yên Phước có một số sai phạm như làm thất lạc mốc giới, chưa cung cấp bản đồ mặt cắt hiện trạng, chưa cung cấp đủ các văn bản, tài liệu sổ sách. Các vi phạm này đáng lẽ phải xử phạt từ 90-151 triệu đồng nhưng ông Giang không đưa vào Kết luận kiểm tra.

Đối với ông Lại Trung Hiếu, nguyên là Phó Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, đã phát hiện nhiều vi phạm của Công ty Yên Phước như khai thác vượt ranh giới cho phép, tự ý sử dụng đất rừng sản xuất vào hoạt động khoáng sản. Nhưng bị can đã ''lờ'' đi, không báo cáo Đoàn kiểm tra, không yêu cầu doanh nghiệp xuất trình sổ sách chứng từ…

Cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thanh Tuấn không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao dẫn đến không phát hiện việc khai thác quá công suất được cấp phép, gây hậu quả Công ty Yên Phước khai thác trái phép hơn 3 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm. Trong đó, phần đã tiêu thụ là hơn 1,6 triệu tấn sản phẩm, trị giá 174 tỷ đồng.

Nhóm cán bộ này bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cáo buộc, Sở Công thương là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu cho UBND tỉnh quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp, công nghiệp khai thác mỏ và ché biến khoáng sản (trừ vật liệu xây dựng).

Tại Sở Công thương, các cá nhân Nguyễn Văn Phong, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường; Đỗ Huy Cương, Phó phòng; Nguyễn Ngô Quyết, Phó phòng thừa nhận việc thẩm định, tham mưu, ký ban hành giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho Công ty Yên Phương với khối lượng gấp 4 so với thiết kế được phê duyệt.

Nhóm cán bộ này bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Nguồn baomoi.com

Tin Cùng Mục

Tin Mới Nhất

Lộ nhóm doanh nghiệp khai thác than trái phép, thu lời hơn 375 tỷ đồng - Công Nghiệp

  • Tin Mới Nhất
  • Đọc Nhiều