Ở vùng ven biển miền Tây Nam bộ, con lịch là hải sản nhìn bên ngoài gần giống con lươn nhưng chúng thường sống ở vùng nước lợ, nơi bãi bồi cửa sông đổ ra biển.
Từ vùng Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) cho tới Cầu Ngang, Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) và đặc biệt là vùng Gành Hào, Nhà Mát (tỉnh Bạc Liêu)… những ngày cuối năm, nhiều ngư dân bắt đầu bước vào mùa săn bắt lịch để làm khô, chuẩn bị cho nhu cầu Tết sắp tới.
Ngư dân làm khô lịch.
Tỉ mỉ khô lịch
Theo nhiều người dân miền Tây, lịch không phải quá khan hiếm nhưng lại khó đánh bắt do chúng chủ yếu sống trong môi trường sình lầy, đầm bãi vùng ven biển nên không nhiều người biết.
Cũng như con lươn, lịch có thể di chuyển dễ dàng trong nước, trong bùn để lẩn tránh nên chỉ những ngư dân lành nghề, có nhiều kinh nghiệm với săn bắt được loài vật tinh khôn này. Tất nhiên, giá của chúng cũng khá cao do hiện nay chưa nhân giống và nuôi nhân tạo được lịch. Khi đi về các vùng ven biển miền Tây, nhất là ở Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu hay Cà Mau… người ta rất dễ gặp lịch được bày bán ở ven các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ. Đặc biệt, dịp cuối năm nhiều ngư dân đã làm lịch khô, lịch một nắng để dễ dàng bảo quản, vận chuyển đi xa tiêu thụ.
Chị Nguyễn Thị Hoàng (45 tuổi), một chủ vựa hải sản ở thị trấn Tiệm Tôm (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) cho biết, chị làm nghề thu mua, sơ chế hải sản đã hơn 20 năm nay. Hàng ngày, chị thu mua thuỷ sản của ngư dân trong vùng, gồm cả các loại tôm cá trên sông cũng như hải sản đánh bắt ven biển.
Sau đó, chị phân loại và liên hệ với mối hàng trên TPHCM để gom đơn và chồng chị sẽ chở lên bằng xe tải cho khách. Thời gian vài năm gần đây, gia đình chị bắt đầu sơ chế làm khô để dễ bảo quản, vận chuyển tới tay khách hàng.
“Mình chỉ bỏ mối buôn nên hàng phải chuẩn bị trước bởi gần cuối năm, nếu khách có nhu cầu mặt hàng nào đó mà vựa mình không có để cung cấp thì họ sẽ bỏ sang vựa khác. Các loại hàng càng hiếm thì càng chuẩn bị từ sớm. Như một số loại cá thông thường hay tôm khô thì có quanh năm nên không lo gì. Và nhu cầu những mặt hàng ấy cũng ít biến động lắm. Chỉ có một số mặt hàng hiếm thì mình phải chuẩn bị trước vài tháng mà thôi. Năm nay tôi thấy bạn hàng trên thành phố nói đặt khô lịch và khô hắc cấy khá nhiều nên chuẩn bị sớm. Với giờ đang là mùa lịch nên ngư dân họ đánh bắt được nhiều lắm, có ngày tôi thu mua nửa tạ để làm khô”, chị Hoàng chia sẻ.
Cũng theo người phụ nữ này, từ tuần trước chị đã thuê thêm một người nữa để phụ làm khô lịch do công việc đòi hỏi nhiều công đoạn hơn so với các loại thuỷ hải sản khác.
Chị Hoàng cũng cho biết, làm khô cá, khô tôm, khô ruốc thì dễ hơn nhiều, cứ đổ ra sân bê-tông sạch sẽ là được. Do lịch có nhiều nhớt nên phải xử lý trước bằng trấu, tro hay cát mịn rồi tuốt nhẹ để hết nhớt thì mới không bị tanh. Rồi việc làm sạch bụng chúng cũng khó hơn. Người làm phải khéo và quen tay không thịt chúng bị xước, bị đứt thì vừa mất giá, vừa khó bán cho bạn hàng.
“Mình làm bây giờ để trữ hàng tết nên phải đẹp mẫu mã. Mấy hôm nay trời bắt đầu có nắng nên phơi khoảng 3 ngày thì đủ dẻo. Qua tháng sau thì chỉ cần phơi 2 ngày cũng đủ thành khô lịch rồi. Ngoài ra còn có lịch một nắng nữa nhưng hàng đó thường cuối tháng sau vựa tôi mới bắt đầu sản xuất. Giờ chỉ làm khô thôi”, chị Hoàng cho biết thêm.
Đang cẩn thận xếp từng con lịch dài như trái đậu đũa một cách cẩn thận và khéo kéo lên giàn phơi khi mặt trời bắt đầu hửng nắng, bà Nguyễn Thị Hai (52 tuổi), một người làm ở vựa hải sản chị Hoàng cười bảo, mấy hôm nay trời có nắng nhưng cũng có mưa nên làm khô vất vả lắm. Theo bà Hai, do thời gian này vựa mua được nhiều lịch nên phải sơ chế làm khô để dễ bảo quản và giữ được lâu hơn. Sau khi sơ chế sạch lớp nhớt thì lấy chiếc đinh ghim nhỏ đóng vào phía răng để giữ chúng lại rồi lấy dao nhỏ khứa nhẹ vào bụng, lấy ruột và làm sạch. Sau đó lịch được cuộn tròn lại một cách cẩn thận rồi mới phơi khô. Cứ nửa ngày lại cẩn thận lật con lịch lên cho chúng đều nắng tới khi đủ độ dẻo thì mới cho vào kho lạnh để cất trữ.
Lúc này, quan sát những con lịch được cuộn tròn như những cuộn len nằm đều đặn trên giàn phơi mới thấy được sự vất vả và tỉ mỉ của nghề làm khô này. Khác với tôm, ruốc hay một vài loại thuỷ hải sản khác, ngư dân chỉ cần làm sạch và phơi trên những sân bê-tông, giàn phơi thì khô lịch phải được cuộn tỉ mỉ từ lúc sơ chế cho tới khi bảo quản, nhằm vừa để chúng được tươi ngon và giữ vẻ thẩm mỹ.
Đặc sản vùng cửa sông
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù không hình thành làng nghề tập trung đông đúc các hộ dân ở một địa phương nhất định nhưng sản phẩm khô lịch của người dân miền Tây vẫn được biết tới rộng rãi. Ở những làng biển thời gian này, lẫn trong những sản phẩm khác là những giàn phơi lịch làm khô rất dễ nhận biết bởi chúng luôn được cuộn tròn một cách tỉ mỉ và cẩn thận.
Một trong số đó là làng biển Mỹ Long ở thị trấn Mỹ Long (huyện Cầu Ngang, Trà Vinh), một trong những làng biển lâu đời nhất ở miền Tây Nam bộ. Những ngày cuối năm, dọc con đường bê-tông chạy từ xã Mỹ Long Bắc qua thị trấn Mỹ Long rồi tới xã Mỹ Long Nam đều có rất nhiều giàn phơi làm khô của ngư dân, với những giàn khô lịch được đặt cẩn thận.
Anh Trần Văn Thịnh (48 tuổi), một chủ thu mua và làm khô lịch ở thị trấn Mỹ Long cho biết ngư dân ở đây thường đánh bắt lịch bằng hai cách khác nhau, một là lội theo các bãi bồi ven cửa sông, cửa biển khi thuỷ triều rút đi để tìm hang lịch và bắt chúng. Cách bắt này đòi hỏi ngư dân am hiểu địa hình, lành nghề mới tìm được lịch nhưng bù lại, các hang này thường có lịch cỡ lớn, thậm chí cả ổ nhiều con lịch. Ngoài ra, ngư dân cũng có thể đánh bắt lịch bằng cách đặt lưới đáy ven biển để đợi thuỷ triều lên xuống, con lịch di chuyển tránh nước và bị dính vào lưới. Điều này đòi hỏi phải đầu tư chi phí lưới ngư cụ cũng như người canh lưới suốt ngày đêm. Chất lượng của lịch theo hình thức đánh bắt này thường kém hơn chất lượng của hình thức đánh bắt khác.
Nguyên nhân bởi khi chui vào các túi lưới, lịch cũng như hải sản khác thường bị va đập, trầy trật hay thậm chí dập nát nữa. Tuy nhiên, mùa nước nhiều như hiện nay, ngư dân nghề đáy vùng Cầu Ngang cũng đánh bắt được khá nhiều lịch ở ven cửa sông đổ ra biển, nhất là ngày đầu và giữa tháng, khi thuỷ triều lên rất cao.
Chia sẻ về giá bán khô lịch, anh Thịnh bảo vựa của anh hiện có hai loại là lịch làm khô và lịch một nắng. “Lịch khô thì có giá bán bằng gần ba lần so với lịch tươi sống, còn lịch một nắng thì gần hai lần bởi cứ hơn ba ký lô tươi mới cho thành phẩm một ký lô khô, còn lịch một nắng thì gần hai ký nguyên liệu mới có một ký thành phẩm. Vựa của tôi có nhiều sản phẩm khô lắm. Mùa này ngư dân họ lưới được nhiều lịch, ruốc, tôm sắt và cá phèn nên mình cũng làm khô những loại đó. Hầu hết các loại khô đều gửi lên TPHCM, Cần Thơ để bán cho khách”, anh Thịnh kể.
Theo người đàn ông này, hiện anh thu mua lịch tươi sống với giá từ 70.000 đến 110.000 đồng tuỳ loại. Trong đó loại đánh bắt bằng nghề đáy thì giá khoảng 70.000 mỗi ký, có khi còn thấp hơn nếu là loại nhỏ. Riêng loại đánh bắt ở rừng ngập mặn thì phải trên một trăm ngàn đồng. Và giá sản phẩm khô lịch của vựa anh cũng được bán theo tỷ lệ đó.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù còn khoảng 4 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán nhưng những làng biển ở miền Tây Nam bộ thời gian này đã nhộn nhịp không khí sản xuất hàng khô chuẩn bị tết. Bởi đây đang là mùa đánh bắt chủ yếu của ngư dân và những vựa ở đây cũng chủ yếu bán sỉ nên đều chuẩn bị, gom hàng từ khá sớm.
Nguồn daidoanket.vn