TTO - Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam rất lạc quan về triển vọng mở cửa trở lại, phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro đang ảnh hưởng hoặc hạn chế hoạt động kinh doanh và tốc độ hồi phục của họ.
Tại một dự án có vốn đầu tư Mỹ ở Việt Nam - Ảnh: T.L.
Mới đây, chúng tôi đã thực hiện khảo sát nhanh với hơn 550 doanh nghiệp thành viên và 2.000 đại diện cá nhân của AmCham Việt Nam. Gần 80% đánh giá rất tích cực hoặc khả quan về triển vọng trung và dài hạn ở Việt Nam và có kế hoạch hoặc đang cân nhắc đầu tư thêm.
Nơi bị dịch nặng nề lại mở cửa nhanh hơn
Đáng lưu ý, TP.HCM là địa phương được đánh giá đứng đầu về tỉ lệ mở cửa trở lại và phục hồi ở mức 3,6 trên thang điểm 5. Những điểm từng trải qua dịch COVID-19 như Hà Nội, Hải Phòng và Bắc Ninh lần lượt đứng thứ 2, 3 và 4.
Khi hỏi về những trở ngại, điều thú vị là các doanh nghiệp đều nhìn nhận những hạn chế đi lại quốc tế là yếu tố chính gây trở ngại cho hoạt động hiện nay, kéo theo đó là sự gián đoạn chuỗi cung ứng và chi phí tăng cao. Những nguy cơ này đang đe dọa tốc độ phục hồi của doanh nghiệp.
Cần nhìn nhận nới lỏng việc đi lại quốc tế tạo điều kiện cho chuyên gia, người lao động nước ngoài vào Việt Nam cũng là yếu tố để doanh nghiệp FDI triển khai các kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh, cũng như thu hút đầu tư mới.
Gần 80% số người được hỏi đề nghị chính quyền trung ương hoặc tỉnh đảm bảo tiếp cận vắc xin để đưa người lao động trở lại. Việt Nam đã từng gây ấn tượng mạnh bằng nỗ lực triển khai độ phủ vắc xin trong thời gian ngắn. Nhưng ngay từ bây giờ, cần có kịch bản và sự chuẩn bị cho việc tiêm mũi 3. Trong các phương thức để giữ chân người lao động hiện nay, đảm bảo tiếp cận vắc xin đang là yếu tố tiên quyết.
Tránh mỗi địa phương một chính sách
Nhưng quan ngại mà nhiều ông chủ, nhà đầu tư chia sẻ nhất lại là sự thiếu nhất quán trong các chính sách chống dịch trong thời điểm chúng ta xác định mở cửa trở lại.
Các chính sách giật cục này khiến việc phục hồi của doanh nghiệp khá lận đận. 92% người được hỏi yêu cầu Việt Nam cần có chính sách nhất quán và đồng nhất trên toàn quốc để sống chung an toàn với COVID-19.
Việc cách ly hoặc cách ly bắt buộc đang làm khó các kinh doanh khi nguồn lao động vẫn còn ở ngoại tỉnh khá nhiều. Chúng ta từng xem chiến lược vắc xin là chìa khóa để mở cửa an toàn nhưng một số thực thi lúc này chưa đúng tinh thần đó.
Quan tâm đến những vấn đề cơ bản
Theo khảo sát của AmCham Việt Nam, ngoài đa số các thành viên rất lạc quan về triển vọng mở cửa trở lại, phục hồi và tăng tốc của nền kinh tế Việt Nam, có khoảng 2% doanh nghiệp có cái nhìn không tích cực.
Khảo sát cũng ghi nhận việc trường học đóng cửa thời gian dài cũng là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động, do phụ huynh phải vừa làm việc vừa hỗ trợ con học trực tuyến.
Cải cách hành chính vẫn còn những thủ tục rườm rà. Cũng cần tiếp tục đầu tư vào năng lượng và cơ sở hạ tầng. Cuối cùng là tiếp tục đầu tư vào giáo dục và đào tạo cho lực lượng lao động, tăng tính cạnh tranh toàn cầu.
Doanh nghiệp cần được hồi sức
TTO - Khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, TP sẽ tập trung xây dựng có lộ trình, kịch bản cụ thể nhằm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
N.BÌNH ghi
Nguồn tuoitre.vn