Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành được áp dụng từ năm 2014 theo Quyết định 28, được chia làm 6 bậc thang. Bậc 1 cho 0-50 kWh đầu tiên; Bậc 2: cho kWh từ 51-100; Bậc 3: cho kWh từ 101-200; Bậc 4: cho kWh từ 201-300; Bậc 5: cho kWh từ 301-400; Bậc 6: cho kWh từ 401 trở lên.
Trước thời điểm áp dụng Quyết định 28 thì số bậc của biểu giá điện là 7 và việc rút gọn số nấc thang trong biểu giá điện khi đó được cho là làm giảm sự phức tạp trong cách tính toán tiền điện.
Giá điện 6 bậc đã bất hợp lý?
Thời điểm 2014, khi ban hành biểu giá bán điện mới, theo tính toán thì hộ dùng hết 400 kWh điện mỗi tháng trước kia sẽ phải trả 782.200 đồng thì nay sẽ phải trả 755.150 đồng (tất cả đều chưa bao gồm thuế), giảm được 27.050 đồng.
Còn nếu hộ chỉ sử dụng 100 kWh/ tháng thì thay vì 141.800 đồng (chưa bao gồm thuế) như trước đây sẽ chỉ phải trả 141.050 đồng, giảm được 750 đồng.
Đối với hộ sử dụng 200 kWh điện/tháng, mức chi trả sẽ là 307.050 đồng thay vì 325.100 đồng.
Như vậy thì với phương án giảm từ 7 bậc về 6 bậc, giá điện thực chất được điều chỉnh giảm nhẹ so với biểu giá đang áp dụng.
Tuy nhiên, sau 8 năm, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, theo phân tích của bên đề xuất là EVN và đơn vị tư vấn là Công ty TNHH MTV Tư vấn và Chuyển giao công nghệ Bách Khoa bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý. Biểu giá điện bán lẻ hiện hành được xây dựng khi toàn bộ cơ cấu nguồn là các nguồn điện truyền thống, đến nay đã có sự thay đổi lớn với tỷ trọng gia tăng của các nguồn năng lượng tái tạo, điện mặt trời và điện gió.
Phương án cơ cấu biểu giá bán lẻ điện 5 bậc theo đề xuất của đơn vị tư vấn.
Biểu giá 4 hoặc 5 bậc: Đơn giản, tạo điều kiện cho đơn vị điện lực quản, tính hóa đơn
Theo 2 đơn vị trên, những bất cập của cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện hành chủ yếu liên quan đến mức độ phản ánh chi phí; mục tiêu sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện năng; triển khai các mục tiêu chính sách xã hội trong định giá điện; mức độ bù chéo giữa các hộ tiêu dùng; mức độ minh bạch, đơn giản và dễ áp dụng.
Cụ thể, cơ cấu biểu giá điện hiện nay chỉ có giá điện 1 thành phần cho tất cả hộ tiêu dùng. Trong khi đó, theo kinh nghiệm quốc tế, biểu giá bán lẻ điện đều được cơ cấu 2 thành phần: giá hoặc phí trả cho công suất đăng ký và phần trả cho điện năng tiêu thụ (ít nhất là áp dụng cho các hộ tiêu thụ có quy mô tiêu dùng điện lớn).
Mặc dù giá điện 2 thành phần (giá công suất và giá điện năng) đã được đề cập trong Quyết định 28, nhưng nội dung này vẫn chưa được triển khai nghiên cứu và áp dụng thử nghiệm.
Đối với mục tiêu sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện năng, tại Quyết định 28 đã có những biểu giá có hiệu ứng tốt, tuy nhiên, giá bán điện cho hộ tiêu dùng sản xuất là thấp hơn so với giá phản ánh chi phí, trong khi đây lại là hộ tiêu dùng quan trọng trong cơ cấu tiêu dùng điện.
"Điều này làm cho mục tiêu sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện năng bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp ít có động lực đổi mới công nghiệp, điều chỉnh tổ chức sản xuất, đặc biệt là khi hộ tiêu dùng này chiếm tới 55-60% phụ tải của hệ thống điện hiện nay", đơn vị tư vấn bình luận.
Các phân tích cũng cho thấy tồn tại hiện tượng bù chéo tổng cơ cấu biểu giá hiện nay để đạt mục tiêu cân bằng doanh thu.
Ngoài ra, theo EVN và đơn vị tư vấn, biểu giá bán lẻ điện cần có sự công khai, minh bạch hoặc có giải thích rõ ràng về cơ chế trong việc tính toán giá điện. Biểu giá 6 bậc thang được cho là quá nhiều, phức tạp, đặc biệt thể hiện trong quá trình đo đếm, tính toán hóa đơn tiền điện của các hộ sinh hoạt.
Từ những tồn tại của cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện hành, đơn vị tư vấn nhấn mạnh cần phải cải tiến cơ cấu biểu giá cho phù hợp hơn với điều kiện cung ứng và tiêu dùng cho giai đoạn hiện nay và các năm tới.
Với đề xuất phương án 4 bậc và 5 bậc, Bộ Công Thương nhìn nhận việc giảm số bậc trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện có ưu điểm là đơn giản trong áp dụng, tạo điều kiện cho đơn vị điện lực trong việc quản lý, tính toán hóa đơn tiền điện, phù hợp với xu thế cải tiến cơ cấu biểu giá điện cho sinh hoạt tại một số nước trong khu vực.
Nguồn dantri.com.vn