Vì sao giải ngân vốn đầu tư công ở Thanh Hóa chậm?

  • 15/12/2023 12:12:21

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp là hai nội dung chất vấn tại HĐND tỉnh Thanh Hóa

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là một trong hai nội dung được chất vấn tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa. Giám đốc Sở KH&ĐT Thanh Hóa Lê Minh Nghĩa cho biết, đến ngày 5/12/2023, giải ngân vốn (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023) được 9.921 tỷ đồng, bằng 66,5% kế hoạch.

Trong đó giải ngân vốn năm 2023 bằng 70,5% kế hoạch, giải ngân vốn năm 2022 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 bằng 45,5% kế hoạch. Một số nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân đạt khá so với kế hoạch, như: Chi xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước đạt 82,9%; đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất đạt 80,4%.

Nguyên nhân chủ quan là chính

Theo ông Nghĩa, dù cao hơn mức bình quân chung của cả nước nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa chưa đạt kế hoạch. Về nguyên nhân, theo ông Nghĩa, có cả yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó yếu tố chủ quan là chính.

Nhiều dự án, chủ đầu tư chuẩn bị dự án chưa tốt, dẫn đến phải điều chỉnh dự án nhiều lần để thay đổi quy mô đầu tư, hướng tuyến,... làm kéo dài thời gian thực hiện. Năng lực trong triển khai thực hiện của nhiều chủ đầu tư, các đơn vị liên quan có mặt còn hạn chế; chưa sâu sát, quyết liệt, thiếu đôn đốc, kiểm tra chưa dự báo được các tình huống khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện các dự án; cùng một hành lang pháp lý nhưng có chủ đầu tư, địa phương làm tốt, có chủ đầu tư, địa phương làm chưa tốt.

Tinh thần, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện dự án còn chưa cao, thiếu sâu sát. Năng lực, tinh thần trách nhiệm của nhà thầu tư vấn lập dự án, nhà thầu xây lắp còn hạn chế. Một số địa phương chưa nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật dẫn đến chần chừ trong quá trình thực hiện. Một số dự án có thời điểm thiếu hụt nguyên vật liệu ảnh hưởng đến tiến độ thi công... Đối với việc giải ngân nguồn vốn chuyển tiếp từ năm 2022 sang năm 2023 đạt thấp chủ yếu là liên quan đến thực hiện Dự án tuyến đường bộ ven biển Thanh Hóa.

Vì sao giải ngân vốn đầu tư công ở Thanh Hóa chậm?

Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Thanh Hóa Lê Minh Nghĩa, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Thanh Hóa chậm, chưa đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra

Về nguyên nhân do giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm, ông Lê Minh Nghĩa nói, có địa phương chậm bố trí tái định cư, hoặc bố trí khu tái định cư nhưng người dân chưa chịu di chuyển đến.

"Nguyên nhân là do những vị trí mặt bằng đẹp thì mang tổ chức bán đấu giá, còn những vị trí không đẹp thì bố trí tái định cư, dẫn tới chậm trễ trong việc GPMB"- ông Nghĩa lí giải.

Cũng theo ông Nghĩa, có nơi, làm mặt bằng đấu giá kết hợp với tái định cư nên thời gian lâu, dẫn đến việc GPMB chậm.

Vì sao giải ngân vốn đầu tư công ở Thanh Hóa chậm?

Các đại biểu tham dự kỳ họp

Trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu về trách nhiệm dẫn đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, giám đốc Sở KH&ĐT Lê Minh Nghĩa cho hay, trách nhiệm trước hết thuộc về các chủ đầu tư và các địa phương. Sau đó là các đơn vị được giao tham mưu, thẩm định và cả các nhà thầu thi công không đảm bảo năng lực, chất lượng, tiến độ.

Vì sao giải ngân vốn đầu tư công ở Thanh Hóa chậm?

Đại biểu đặt câu hỏi chất vấn tại kỳ họp Không tham mưu, đề xuất chung chung

Trong phần giải trình ý kiến của các đại biểu sau đó, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, nguyên nhân chính là do yếu tố con người. “Chủ đầu tư cũng là con người, chỉ đạo cũng là con người, tháo gỡ khó khăn cũng là con người. Tựu trung lại nguyên nhân của các nguyên nhân là phụ thuộc vào chính chúng ta”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Vì vậy, theo người đứng đầu chính quyền tỉnh Thanh Hóa, UBND tỉnh sẽ tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp và vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động của cơ quan, địa phương, đơn vị; xử lý nghiêm các trường hợp gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ; khắc phục tình trạng quan liêu, chủ quan, lơ là, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Đối với vấn đề tham mưu cho UBND tỉnh trong việc quyết định các dự án đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần nêu rõ quan điểm: đồng ý hay không đồng ý, phù hợp hay không phù hợp, giải thích rõ lý do của các đề xuất, tham mưu, không được tham mưu chung chung, nói không rõ quan điểm.

“Tôi đọc 4 – 5 trang văn bản tham mưu nhưng không thấy kết được cái gì mà là câu: trình chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định. Như thế thì quyết định thế nào? Tham mưu thế thì làm sao?”, ông Tuấn dẫn chứng.

Vì sao giải ngân vốn đầu tư công ở Thanh Hóa chậm?

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cho biết, vẫn còn tình trạng các cơ quan tham mưu văn bản chung chung, không nói rõ quan điểm

Người đứng đầu UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong năm 2024 sẽ kiên quyết rà soát, xử lý các dự án đầu tư công chậm tiến độ. Trong đó, trước mắt là các dự án khu công nghiệp, có ảnh hưởng trực tiếp đến thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn.

Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; duy trì và cải thiện các chỉ số thành phần có xếp hạng tốt, tập trung khắc phục những chỉ số thành phần có xếp hạng thấp của các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS, đặc biệt là PCI; phấn đấu năm 2024 và những năm tiếp theo, PCI tỉnh Thanh Hóa đứng trong Top 20 của cả nước.

Kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ

Cũng với vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp (CCN) cũng rất chậm và thiếu đồng bộ. Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn nội dung này, Giám đốc Sở Công thương Thanh Hóa Phạm Bá Oai cho biết, theo Quy hoạch đến năm 2030, toàn tỉnh có 115 CCN, với tổng diện tích 5.267,25 ha. Đến nay, toàn tỉnh có 45 CCN đã được thành lập (có nhà đầu tư hạ tầng) với tổng diện tích 1.675,94 ha. Tổng vốn đăng ký đầu tư các dự án là 11.934 tỷ đồng.

Vì sao giải ngân vốn đầu tư công ở Thanh Hóa chậm?

Giám đốc Sở Công thương Phạm Bá Oai trả lời chất vấn

Tuy nhiên, tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuât các CCN còn rất chậm, cụ thể: mới có 2 CCN đã hoàn thành toàn bộ hạ tầng CCN, đủ điều kiện thu hút dự án thứ cấp đầu tư là CCN Thái Thắng, huyện Hoằng Hoá và CCN thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hoá; có 3 CCN đã hoàn thành hạ tầng CCN theo giai đoạn, đủ điều kiện thu hút dự án thứ cấp là CCN Bắc Hoằng Hóa, huyện Hoằng Hoá; CCN Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc; CCN thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định.

Vì sao giải ngân vốn đầu tư công ở Thanh Hóa chậm?

Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa cam kết hoàn thành tiến độ GPMB cụm công nghiệp Bắc Hoằng Hóa trước HĐND và cử tri

Trước tình trạng nêu trên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các CCN; sớm ban hành, triển khai và đảm bảo tính đồng bộ của các quy hoạch.

Ông Hưng yêu cầu nâng cao vai trò trách nhiệm của Hội đồng lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN, trong đó Sở Công thương là cơ quan chủ trì tham mưu. Cần lựa chọn được những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm trong xây dựng các CCN; chủ động tránh lựa chọn những nhà đầu tư thiếu năng lực, đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN chỉ với mục đích “giữ đất”, hoặc chuyển nhượng dự án gây khó khăn trong việc xử lý, thu hồi dự án. Kiên quyết thu hồi dự án nếu nhà đầu tư triển khai chậm so với quy định và lựa chọn nhà đầu tư khác.

Vì sao giải ngân vốn đầu tư công ở Thanh Hóa chậm?

CCN Bắc Hoằng Hóa là số ít CCN đã hoàn thành và có 100% diện tích đã thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

Với các nhà đầu tư hạ tầng, khi thu hút dự án thứ cấp đầu tư vào CCN, cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất, cho thuê lại hạ tầng cần cần thương thảo giá thuê theo đúng quy định của pháp luật, tránh trường hợp giá thuê quá cao nên không doanh nghiệp tiếp cận được; phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện trong việc GPMB, hoàn thiện các thủ tục về đất đai, đấu nối giao thông, điện, nước, xử lý chất thải... bảo đảm đồng bộ, vận hành các dự án hiệu quả.

Vì sao giải ngân vốn đầu tư công ở Thanh Hóa chậm?

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng kết luận các nội dung chất vấn

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã thông qua 38 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, về kế hoạch đầu tư phát triển và phân bổ vốn, về cơ chế, chính sách, về chủ trương đầu tư các dự án, về nhóm nghị quyết thường niên và các nội dung quan trọng khác.

Quang Duy

Nguồn giadinhonline.vn

Tin Cùng Mục

Tin Mới Nhất

Vì sao giải ngân vốn đầu tư công ở Thanh Hóa chậm? - Đầu Tư

  • Tin Mới Nhất
  • Đọc Nhiều