Trước khi mua lại 49% vốn của FE Credit từ tay VPBank, Sumitomo Mitsui (SMBC), một trong những định chế tài chính lớn nhất Nhật Bản, đã dồn dập đầu tư vào Việt Nam.
Ngày 28/4, lễ ký kết thỏa thuận giữa VPBank và Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG - gọi chung là SMBC) diễn ra. Theo đó, VPBank bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit - công ty mà VPBank đang sở hữu 100% - cho SMBC.
Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF), một công ty con do SMBC sở hữu 100% vốn, là pháp nhân đứng ra mua phần vốn góp này. Thương vụ trên được cho làgiúp VPBank thu về 1,4 tỷ USD.
Trước khi thương vụ này diễn ra, SMBC đã dồn dập đầu tư vào Việt Nam và trở thành điểm sáng trong dòng vốn từ đất nước hoa anh đào vào đất nước hình chữ S.
SMBC liên tiếp chọn hợp tác với doanh nghiệp Việt. (Ảnh: Reuters)
Trong vài năm gần đây, Nhật Bản đang dần thay thế Mỹ để trở thành nhà đầu tư ra nước ngoài lớn nhất toàn cầu. Nhưng tỷ lệ lớn của dòng vốn này vẫn ưu tiên chọn nhiều quốc gia khác hơn là Việt Nam. Trong bối cảnh đó, SMBC lại liên tiếp chọn hợp tác với doanh nghiệp Việt.
Ưu tiên lĩnh vực tài chính
Là tập đoàn tài chính nên tài chính là lĩnh vực SMBC ưu tiên khi đến Việt Nam. Năm 2008, SMBC đã trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) sau khi sở hữu 15% vốn ngân hàng này. Số tiền SMBC phải chi ra là 225 triệu USD.
SMBC đánh giá cao thương vụ nói trên. Đích thân Chủ tịch SMBC, ông Masayuki Oku, thông báo buổi lễ ký kết chính thức thỏa thuận liên minh kinh doanh với Eximbank đã diễn ra tại Tokyo. SMBC cho rằng Eximbank là "một trong các ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam".
Vào tháng 12/2019, SMBC một lần nữa gây chú ý khi Sumitomo Life chi thêm 4.012 tỷ đồng (tương đương 173 triệu USD) để mua thêm 41.436.330 cổ phần BVH của Tập đoàn Bảo Việt. Nhờ đó, nâng tỷ lệ nắm giữ của Sumitomo Life tại Bảo Việt được nâng lên 22,09%.
Điều đó có nghĩa bình quân giá mỗi cổ phiếu BVH mà Sumitomo Life mua vào lên tới 96.817 đồng. Đáng chú ý, trong tháng 12, giá cổ phiếu BVH dao động từ 66.200 đồng/cổ phiếu tới 73.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, mức giá mà SMBC để mua BVH cao hơn thị giá từ 32,6% tới 46,2%.
Tới cuối năm 2020, lần hợp tác này giữa Bảo Việt và SMBC được diễn đàn M&A Việt Nam bình chọn là thương vụ đầu tư và M&A tiêu biểu Việt Nam trong năm 2019-2020.
Không quên bất động sản
SMBC là tập đoàn tài chính. Nhưng tại Việt Nam, SMBC vẫn lựa chọn những phân khúc "nóng" trên thị trường bất động sản.
Cũng trong năm 2019, SMBC bắt tay với Tập đoàn BRG thành lập liên doanh để triển khai dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội nằm trong quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 4,2 tỷ USD đã chính thức động thổ vào tháng 10/2019.
Hiện tại, Covid-19 xảy ra khiến nền kinh tế toàn cầu lao đao, dòng vốn FDI có xu hướng chảy về những nơi ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhất. Việt Nam là một trong những điểm sáng. Vì vậy, nhiều tập đoàn lớn chọn Việt Nam là nơi "đại bàng làm tổ". Kết quả là bất động sản khu công nghiệp "nổi sóng".
Nhưng trước khi bất động khu công nghiệp trở nên có giá, SMBC đã đầu tư vào lĩnh vực này. Năm 2019, SMBC đạt được thỏa thuận với tỉnh Hưng Yên về việc phát triển giai đoạn 3 để mở rộng khu công nghiệp Thăng Long II tại huyện Yên Mỹ và Mỹ Hào. Vì vậy, Tập đoàn bày tỏ ý muốn rót thêm 3.000 tỷ đồng vào đây.
Tới tháng 10/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng đã trao bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh với SMBC và Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long II liên quan đến thực hiện mở rộng giai đoạn 3 khu công nghiệp Thăng Long II.
Ngoài ra, SMBC còn đầu tư vào Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (vốn đầu tư 2,58 tỷ USD). SMBC đã theo đuổi dự án này suốt 12 năm. Không chỉ có vậy, SMBC chi khoảng 4 tỷ yên (37 triệu USD) để mua 10% vốn tại Công ty cổ phần Gemadept.
Bất động sản mới "trồng cây", tài chính chưa "hái quả"
SMBC đã rót rất nhiều tiền vào bất động sản tại Việt Nam (bao gồm cả nhà ở và khu công nghiệp). Tuy nhiên, các dự án mới trong giai đoạn phát triển, chưa đến ngày "hái quả" nên chưa thể đánh giá được hiệu quả của khoản đầu tư. Nhưng ở thời điểm hiện tại, đây đều là những mảng có nhiều tiềm năng phát triển.
Trong khi đó, bức tranh về mảng tài chính lại hé lộ những "mảng màu" ban đầu.
Cho tới nay, đã hơn một thập kỷ trôi qua kể từ khi SMBC đặt chân vào lĩnh vực tài chính ở Việt Nam. Cái tên đầu tiên được gọi đến là Eximbank. Thời gian đầu, SMBC đã rót 225 triệu USD để nắm giữ 15% vốn Eximbank. Bình quân, mỗi cổ phiếu EIB trong tài khoản của SMBC có giá hơn 20.000 đồng, thấp hơn rất nhiều so với thị giá EIB năm 2008 (70.000 đồng/cổ phiếu).
Đóng cửa phiên giao dịch 28/4/2021, EIB dừng ở mức 27.400 đồng/cổ phiếu. Nếu xét riêng về thị giá cổ phiếu EIB, SMBC đã lãi 37% sau 13 năm.
Ngoài sự tăng trưởng giá cổ phiếu, SMBC còn nhận được cổ tức. Tỷ lệ cổ tức từ năm 2008 đến 2013 tại Eximbank là 82,55%, 12%, 13,5%, 19,3%, 13,5% và 4%. Kể từ 2014 đến nay, Eximbank đã có 7 năm liên tiếp không trả cổ tức. Tới đây, Eximbank muốn chi trả với tỷ lệ 18%.
Còn với BVH, nếu xét về thị giá cổ phiếu, SMBC "lỗ" nặng. Đóng cửa phiên 28/4/2021, BVH ởmức 57.400 đồng/cổ phiếu, thấp hơn giá SMBC mua vào 39.417 đồng/cổ phiếu, tương đương 40,7%.
Reuters: SMFG kinh doanh không mấy khả quanở quê nhà
SMFG thực hiện thương vụ FE Credit sau khi "đi lùi" ở quê nhà.
Reuters cho biết SMFG, công ty cho vay lớn thứ hai Nhật Bản, tính theo tài sản, đã báo cáo lợi nhuận ròng quý thứ ba (cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2021) giảm 8,4%. Nguyên nhân đến từ sự gia tăng chi phí liên quan đến tín dụng.
Cụ thể, SMFG đã công bố lợi nhuận 163,8 tỷ yên (1,56 tỷ USD) trong ba tháng tính đến tháng 12, giảm so với mức 178,9 tỷ yên trong cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số Reuters tính toán dựa trên số liệu tích lũy trong 9 tháng được tiết lộ trong một hồ sơ trao đổi.
Lợi nhuận cả năm mà SMFG đạt được là 400 tỷ yên (thời điểm kết thúc năm là tháng 3/2021). Con số này thấp hơn so với mức trung bình 500,1 tỷ yên theo ước tính của 12 nhà phân tích do Refinitiv tổng hợp.
Theo một phát ngôn viên của công ty, tình hình ngày càng trở nên "không chắc chắn" do sự bùng phát của dịch Covid-19.
Reuters bình luận lợi nhuận tại các ngân hàng Nhật Bản, vốn đã quay cuồng với nhiều năm lãi suất âm và dân số thu hẹp, dự kiến sẽ đối diện với nhiều áp lực bởi sự gia tăng lỗ tín dụng do đại dịch Covid-19 gây ra.
SMFG đã ghi nhận 234,8 tỷ yên chi phí liên quan đến tín dụng trong 9 tháng tính đến tháng 12/2020. Mặc dù các chi phí liên quan đến tín dụng đã làm giảm lợi nhuận của công ty, nhưng chúng nhỏ hơn dự kiến.
* Các công ty thông thường có năm tài chính từ 1/1/2020 đến 31/12/2020 nhưng SMBC lại áp dụng kỳ kếtoán từ 1/4/2020 đến 31/3/2021 nên kỳ kết thúc vào ngày 31/12/2020 sẽ là quý 3 của năm 2020 (thay vì quý 4 như thông thường).
Nguồn dantri.com.vn