Không chỉ bị kiểm dịch khắt khe, trái cây Việt sẽ phải cạnh tranh mạnh với hàng Campuchia, Thái Lan trong thời gian tới tại Trung Quốc.
Anh Hoàng, chủ vườn trái cây ở Long An cho biết, cách đây 4 năm, trái cây Việt được thương lái Trung Quốc tới tận vườn thu mua với giá cao thì 3 năm gần đây, số lượng người từ nước này sang thu mua tận vườn giảm dần. Giá sản phẩm bán ra cũng liên tục đi xuống.
"Trước đây, có thời điểm tôi bán mít Thái lên tới 70.000 đồng một kg nhưng vẫn có nhiều thương lái Trung Quốc vào tranh mua. Năm nay, giá rớt thảm xuống vài nghìn đồng với mít loại 1, còn loại 3 dường như không có người hỏi mua", anh Hoàng nói.
Đây là thực trạng diễn ra hơn tháng nay khi các loại rau, củ, quả của Việt Nam liên tục lặp lại điệp khúc rớt giá vì hàng không thể xuất qua Trung Quốc. Trong đó, khoai lang, xoài chỉ còn vài trăm đồng mỗi kg, còn bơ, dưa hấu, mít giá cũng giảm một nửa.
Chia sẻ với VnExpress, chủ một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hàng cho rằng, nếu so với năm ngoái, hàng xuất sang Trung Quốc có tăng nhưng nếu so với thời kỳ trước dịch bệnh thì đang chững lại.
Ông dự báo, nhiều mặt hàng xuất sang thị trường này sắp tới sẽ còn giảm, bởi các loại trái cây của Trung Quốc cùng loại với Việt Nam bắt đầu rộ vụ. Trong khi đó, mức độ kiểm dịch thực vật và kiểm soát hàng hóa (chất lượng, mẫu mã) của Việt Nam chưa có dấu hiệu cải thiện.
Xoài tại nhà vườn ở Đồng Tháp. Ảnh: Nam Lê.
Mặt khác, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam lại đang có thêm đối thủ cạnh tranh khi Trung Quốc chính thức chấp nhận 37 công ty của Campuchia có trang trại trồng xoài, 5 công ty có nhà máy xử lý đóng gói quả xoài tươi, đủ điều kiện để xuất xoài tươi trực tiếp vào Trung Quốc.
Đầu tháng 5, đã có 80 tấn xoài tươi của nước này đến Trung Quốc bằng đường biển (qua cảng biển của Việt Nam). Dự kiến có khoảng 100.000 tấn xoài của Campuchia sẽ được xuất vào thị trường Trung Quốc trong năm nay.
Các thương nhân xuất khẩu xoài cho biết, sau chuyến hàng đầu tiên, Trung Quốc đánh giá chất lượng xoài của Campuchia tốt nên đã cấp hạn ngạch xuất khẩu cả năm lên đến 500.000 tấn. Sau xoài, nhiều mặt hàng tương đồng khác như thanh long, chuối của Campuchia cũng sẽ rộng đường sang thị trường này để cạnh tranh mạnh mẽ với hàng Việt.
Theo đó, năm ngoái, Campuchia đã khởi động dự án, dành 1.000 ha đất nông nghiệp để trồng một triệu cây thanh long. Họ cũng lên kế hoạch thành lập một nhà máy chế biến, với mục tiêu xuất khẩu chính là thị trường Trung Quốc và Việt Nam.
Ngoài đối thủ là Campuchia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cảnh báo, sầu riêng, bưởi, măng cụt của Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt bởi Thái Lan. Giữa tháng 5, ghi nhận 18 tấn măng cụt Thái lần đầu tiên được nhập khẩu tại cửa khẩu Đông Hưng thuộc Phòng Thành Cảng (Quảng Tây, Trung Quốc), để chuyển đến Trùng Khánh tiêu thụ.
Với trái sầu riêng, ngoài hàng Việt, Trung Quốc ngày càng chuộng hàng Thái và Malaysia. Chất lượng sầu riêng của hai nước này được người tiêu dùng Trung Quốc đánh giá cao, giá cũng giảm dần qua các năm để cạnh tranh với hàng Việt.
Riêng vải thiều, Việt Nam không có đối thủ cạnh tranh. Thế nhưng, gần đây Trung Quốc cũng tăng diện tích trồng vải và thời gian vải thiều chín sớm của nước này đang rút ngắn, giá vải lại giảm mạnh. Hiện, giá vải bán lẻ tại Trung Quốc ở mức 70.000-100.000 đồng một kg, giảm hơn 50% so với trước.
Cũng lo ngại trái cây Việt Nam lép vế hơn so với hàng ngoại khác xuất sang Trung Quốc, UBND tỉnh Lang Sơn vừa đưa ra loạt cảnh báo. Tỉnh này cho rằng, trong 9 loại trái cây Việt xuất sang nước này có tới 8 loại chưa ký kết về kiểm dịch thực vật. Do đó, khi xuất sang Trung Quốc, hàng Việt Nam sẽ bị kiểm hóa 100% lô hàng nên việc thông quan lâu hơn trái cây nước khác. Điển hình, Thái Lan chỉ phải kiểm hóa 30%.
Song song, Trung Quốc gần đây cũng tạm dừng thông quan hai cặp cửa khẩu Na Hình-Kéo Ái và Pò Nhung - Dầu Ái từ tháng 5 và chưa thống nhất mở các cặp cửa khẩu phụ còn lại khiến năng lực thông quan hàng hóa qua địa bàn này bị ảnh hưởng, gây ùn ứ và chậm lại, trong đó trái cây tươi đòi hỏi thông quan nhanh.
Để tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam nên đẩy nhanh đàm phán để nông sản Việt được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Về phía doanh nghiệp xuất khẩu, tỉnh này khuyến cáo chú trọng về bao bì nhãn mác, truy suất nguồn gốc và kiểm dịch sản phẩm đầy đủ để hàng được thông quan nhanh hơn. Cơ quan chức năng ở các tỉnh đẩy mạnh việc cấp mã vùng trồng cho trái cây xuất khẩu. Thúc đẩy sớm ký kết về kiểm dịch thực vật cho 8/9 sản phẩm hoa quả được vào Trung Quốc để giảm kiểm hóa.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Võ Mai, nguyên Cục phó Cục Bảo vệ thực vật, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, trái cây Việt cần quy hoạch điều chỉnh sao cho phù hợp với thị trường. Thay vì cho nông dân trồng ồ ạt, các hợp tác xã, doanh nghiệp cần hướng dẫn họ canh tác theo tiêu chuẩn thị trường.
Song song đó, bà Mai cho rằng, cơ quan quản lý cần quy hoạch vùng trồng, chỉ dẫn địa lý để hàng Việt xuất được nhiều hơn ở tất cả thị trường, không riêng gì Trung Quốc. Để hỗ trợ giảm tối đa chi phí, Nhà nước cần tối ưu chi phí vận chuyển đường bộ, logistics sẽ giúp rau quả Việt cạnh tranh hiệu quả hơn với các đối thủ tại thị trường Trung Quốc.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, cơ quan này đang đàm phán để mở cửa 19 thị trường cho 20 loại sản phẩm như: trái cây, hạt giống, gạo, hoa, đậu đỗ, khoai lang... Bên cạnh đó, phối hợp với các địa phương xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở xuất khẩu đảm bảo mục tiêu truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu các thị trường.
Cục này cũng cho biết, trong lúc thị trường Trung Quốc gặp khó thì xuất khẩu trái cây Việt sang Nga, Nhật, Mỹ, Australia đang có nhiều tích cực khi sản lượng qua các thị trường này tăng 30-50%, thậm chí gấp 2,3 lần so với trước đây. Do đó, người dân và doanh nghiệp nên hợp tác để đẩy mạnh chất lượng. Đây sẽ là "đòn bẩy" giúp trái cây Việt giảm bớt phụ thuộc thị trường Trung Quốc.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu rau quả của Việt Nam tháng 5 đạt 400 triệu USD, tăng 48,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả ước đạt 1,77 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ 2020.
Trung Quốc hiện vẫn là thị trường lớn, chiếm 63,2% tỷ trọng rau củ quả xuất khẩu của Việt Nam với giá trị lên tới 2,5-3 tỷ USD mỗi năm. 4 tháng đầu năm hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 866,19 triệu USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ.
Thi HàTrở lại Kinh doanhTrở lại Kinh doanhChia sẻ ×
Nguồn vnexpress.net