Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo về bảo đảm giao thông vận tải; rà soát, bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp...
Vấn đề trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra sáng 15/8, tại Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với một số địa phương triển khai Nghị quyết 30 của Quốc hội, Nghị quyết 86 của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, sơ kết một tháng thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng tại một số địa phương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Các ý kiến tại cuộc họp tập trung phân tích các vấn đề nổi lên trong công tác phòng chống dịch và duy trì sản xuất kinh doanh, các bài học kinh nghiệm rút ra. Các địa phương tổ chức các hệ thống bán hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân; huy động sự ủng hộ của các doanh nghiệp, tập đoàn, tổ chức, cá nhân cho công tác phòng, chống dịch…
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm, không đưa ra các nội dung trái chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương để có thể thực hiện mục tiêu kép.
"Quyết không để ùn tắc giao thông trên đường, ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc cho người dân, tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, cũng không để ùn tắc tại cảng, ảnh hưởng tới xuất khẩu" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Đánh giá tình hình dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp và có nơi nghiêm trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương căn cứ diễn biến thực tế để đánh giá, xác định tình hình cụ thể và có giải pháp ứng phó phù hợp theo Nghị quyết 86 của Chính phủ.
Người đứng đầu Chính phủ tiếp tục quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc".
Người đứng đầu Chính phủ tiếp tục quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc", đây là ưu tiên số một trên phạm vi cả nước trong lúc này, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch. Thủ tướng lưu ý, các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 phải ưu tiên cho công tác chống dịch, nhưng không có nghĩa là chỉ tập trung chống dịch, nơi nào an toàn vẫn phải duy trì sản xuất, sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất và thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên khác.
Thủ tướng yêu cầu quán triệt thông tin về tinh thần vắc xin đã được cấp phép theo quy định về Việt Nam: Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất; khắc phục ngay tình trạng kén chọn, chờ đợi vắc xin trong khi đang rất khan hiếm vắc xin và dịch bệnh vẫn đang lây lan nhanh, làm nhiều người tử vong.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý ngay những hành vi tiêu cực trong việc tiêm vắc xin như trả tiền để được tiêm; Nghiên cứu tăng thêm phụ cấp cho đội ngũ làm nhiệm vụ tiêm vắc xin. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu tiêm vắc xin miễn phí cho toàn dân.
Thủ tướng khuyến khích các doanh nghiệp, các địa phương tìm nguồn, kết nối, mua vắc xin nhưng Bộ Y tế phải thực hiện nghiêm chức năng quản lý Nhà nước, chịu trách nhiệm đánh giá chất lượng vắc xin bảo đảm an toàn, hiệu quả, cấp phép, bảo quản, lưu trữ, chủ trì tiêm miễn phí cho toàn dân. "Tiêm miễn phí cho toàn dân, dứt khoát là như vậy" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm giao thông vận tải; rà soát, bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp; tăng cường phối hợp tốt với các Bộ và địa phương liên quan, thống nhất thực hiện các biện pháp kiểm soát theo đúng chỉ đạo của Trung ương, tạo điều kiện cho việc vận tải, lưu thông hàng hóa trên địa bàn, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, phục vụ đời sống nhân dân và nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa xuất khẩu...
Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với một số địa phương sáng 15/8.
Về hoạt động sản xuất, các Bộ Y tế, Công Thương và địa phương cần lắng nghe ý kiến phản ánh của doanh nghiệp và người dân, khẩn trương nghiên cứu, điều chỉnh và hướng dẫn thực hiện cho phù hợp các mô hình như "ba tại chỗ", "một cung đường, hai điểm đến".
Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có việc hỗ trợ về xét nghiệm, tổ chức ăn ở cho công nhân… để duy trì sản xuất và thúc đẩy sản xuất ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, giữ chuỗi cung ứng không đứt gãy…
Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo triển khai nhanh các chính sách bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, kịp thời cập nhật đối tượng cần hỗ trợ; nghiên cứu, mở rộng mô hình túi an sinh của TPHCM.
Các địa phương bảo đảm việc lưu thông, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu; hỗ trợ cung cấp ngay lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ, không để bất kỳ ai bị thiếu đói trên địa bàn. Chính phủ thống nhất hỗ trợ hoàn toàn việc mai táng bệnh nhân tử vong do Covid-19.
Nguồn dantri.com.vn