Thanh tra nhiều hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục

  • 27/05/2022 15:21:24

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, các cơ quan chức năng đang thanh tra nhiều hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục - đơn vị nắm phần lớn thị phần phát hành sách.

 

Thanh tra nhiều hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Media QuochoiNhà xuất bản Giáo dục Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo đại diện Nhà nước sở hữu 100% vốn. Đơn vị này có nhiệm vụ tổ chức biên soạn, biên tập, in ấn, phát hành sách giáo khoa và các ấn phẩm phục vụ giảng dạy, học tập. Với vốn điều lệ 596 tỷ đồng, doanh nghiệp này đang hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Là doanh nghiệp nhà nước, theo quy định, họ phải công bố thông tin định kỳ, về chiến lược phát triển; kế hoạch sản xuất, đầu tư; báo cáo tài chính bán niên và cả năm, báo cáo chế độ lương thưởng... Tuy nhiên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - đơn vị cách đây ba năm từng tuyên bố nắm 60-70% thị phần phát hành sách cả nước - đã không công bố báo cáo tài chính năm 2020, 2021; kế hoạch kinh doanh năm 2021, 2022 trên website lẫn cơ quan quản lý vốn là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giai đoạn trước từ 2016-2020, Nhà xuất bản cũng không công bố các báo cáo này dù có tóm lược số liệu tài chính.

Bên hành lang Quốc hội sáng 26/5, trả lời VnExpress về vấn đề này, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Nhà xuất bản Giáo dục là doanh nghiệp Nhà nước, có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các quy định của luật pháp. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Nhà xuất bản cũng có những vấn đề cần kiểm tra, làm rõ. Vì vậy, thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, đánh giá toàn diện hoạt động của nhà xuất bản giáo dục nói chung và quá trình xuất bản sách giáo khoa nói riêng.

"Tôi đã chỉ đạo triển khai việc này từ 2021 và hiện nay các cơ quan liên quan đang thực hiện nhiệm vụ. Khi có kết quả cụ thể, sẽ thông tin đầy đủ", ông Sơn nói.

Theo Nghị định 81 ban hành năm 2015, doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ phải định kỳ công bố thông tin

Doanh thu của nhà xuất bản này liên tục tăng trưởng từ 2015 đến 2019 – năm gần nhất doanh nghiệp này công bố kết quả kinh doanh. Theo kế hoạch sản xuất và phát triển được đề ra năm 2017, nhà xuất bản đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng liên tiếp 4% một năm và cán mốc 1.500 tỷ đồng vào 2022.

Lợi nhuận giai đoạn 2017-2019 đều trên 100 tỷ đồng mỗi năm, nhưng ban lãnh đạo nhà xuất bản từng cho biết việc "làm sách giáo khoa là thực hiện nhiệm vụ chính trị được cấp trên giao, không mang lại lợi nhuận như dư luận đồn đoán, thậm chí mỗi năm còn bị lỗ trên dưới 40 tỷ đồng từ việc in và phát hành sách giáo khoa".

Nhà xuất bản có 7 công ty con (nắm giữ trên 50% vốn), 26 công ty liên kết và 8 công ty được xem là khoản đầu tư dài hạn. Trong báo cáo lương thưởng năm 2020, bình quân mỗi người quản lý của nhà xuất bản có thu nhập 44,6 triệu đồng và nhân viên là 27,6 triệu đồng một tháng.

Hoàng Thùy - Phương ĐôngTrở lại Kinh doanhTrở lại Kinh doanhChia sẻ ×

Nguồn vnexpress.net

Tin Cùng Mục

Tin Mới Nhất

Thanh tra nhiều hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục - Thị Trường

  • Tin Mới Nhất
  • Đọc Nhiều