TTO - Nhiều siêu thị tại TP.HCM vẫn chỉ có thể cho nhân viên của mình giao nội quận nên không thể nhận nhiều đơn đặt hàng của dân. Trong khi đó, bên xe công nghệ lại lo giảm lực lượng shipper, khó giảm cước vì quy định mới.
Số lượng shipper giao hàng có thể sẽ tăng thêm nhiều từ ngày 24-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bắt đầu từ ngày 24-9 đến 30-9, các hãng giao nhận công nghệ phải tự tổ chức xét nghiệm cho shipper đăng ký hoạt động. Doanh nghiệp ký cam kết và chịu trách nhiệm về công tác tổ chức và kết quả xét nghiệm.
Động thái này được chính quyền thành phố đưa ra sau khi số lượng shipper đăng ký hoạt động trở lại tăng đột biến những ngày qua, từ 20.000 lên 82.000 người.
Xe công nghệ lại rối
Theo quy định, ngày 22 và 23-9, các doanh nghiệp và shipper tổ chức tập huấn lấy mẫu. Sở Y tế sẽ cung cấp bộ xét nghiệm dựa vào số lượng đăng ký của shipper với Sở Công thương theo nguyên tắc mẫu gộp ba người, 3 ngày/lần.
Trong chiều 21-9, nhiều ứng dụng như Grab, Ahamove, Baemin, BeGroup... cho biết đang lúng túng với quy định mới và đang chờ được hướng dẫn.
Đại diện một ứng dụng cho rằng chỉ có 2 ngày để lo nhân sự, tập huấn xét nghiệm nên trở tay khó kịp. Nhiều quy định cũng cần được làm rõ như doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm ở đâu, ai được lấy mẫu, xác nhận giấy xét nghiệm là ai?
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 21-9, ông Lê Huỳnh Minh Tú - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết hướng dẫn mới chỉ thay đổi về phương thức xét nghiệm. Nhà nước sẽ hỗ trợ kit, doanh nghiệp chia nhỏ các điểm, khung giờ, thuê đơn vị y tế.
Tuy vậy, phải đảm bảo giãn cách, nếu không chính quyền sẽ xử lý. Ngoài ra, sở này khuyến cáo các đơn vị y tế nhận xét nghiệm với số lượng phù hợp năng lực.
Ông Nguyễn Việt Linh - giám đốc truyền thông BeGroup - cho biết công ty đang tính phương án đề xuất với Sở Công thương TP về việc quản lý, xét nghiệm shipper.
Đại diện một ứng dụng công nghệ có thị phần lớn tại VN đề nghị bỏ hoặc 7 ngày mới xét nghiệm một lần vì tất cả shipper muốn hoạt động đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, rất nhiều người đã tiêm đủ. Họ cũng tiếp xúc người không nhiều hơn các cán bộ đứng chốt.
Theo Sở Công thương, hiện TP có 34 đơn vị quản lý shipper đăng ký hoạt động với tổng số lượng shipper đăng ký 80.000 - 90.000 người, trong đó ngày 20-9 lượng shipper hoạt động thực tế khoảng 36.000 người.
Theo ghi nhận, nhiều shipper lo chi phí tổ chức xét nghiệm luân phiên liên tục cho hàng chục ngàn người sẽ bị phân bổ vào giá cước. Nhiều người đã tranh thủ trong ngày 20-9 đi xét nghiệm, trước khi áp dụng quy định mới.
Hầu hết các ứng dụng lo ngại số lượng shipper chưa kịp tăng sẽ sụt giảm trở lại, khả năng sẽ phải tăng cước để khuyến khích tài xế hoạt động.
Siêu thị khó vì chỉ được giao nội quận
Theo đại diện Bách Hóa Xanh, đơn vị đang có khoảng 7.000 nhân viên hoạt động tại TP.HCM.
Tuy nhiên, với 10 kho hàng chuyên bán online chủ yếu nằm ở vùng ven nên khi nhân viên không được giao liên quận, phí shipper đắt đỏ khiến không thể nhận đơn hàng online ở các quận trung tâm.
"Do đơn hàng mua lẻ quá đông, tăng gấp đôi so với hơn một tuần trước đó, nên số lượng nhân viên giao hàng nhiều thời điểm chỉ bằng phân nửa nhu cầu đặt mua. Shipper cần sớm giảm mức phí giao hàng, cho nhân viên các siêu thị và bán lẻ được giao liên quận mới đáp ứng đủ nhu cầu người dân", vị này đề xuất.
Với nhiều đơn vị như Lotte Mart, MM Mega Market… do số lượng các điểm bán tại TP.HCM khiêm tốn nên quy định hạn chế cho nhân viên giao liên quận khiến các đơn vị này gặp khó.
"Hệ thống siêu thị lớn có điểm bán ít nhưng nguồn hàng mỗi điểm bán rất lớn. Việc TP chỉ cho nhân viên giao hàng trong khu vực quận, huyện khiến siêu thị không phát huy được thế mạnh", đại diện một hệ thống siêu thị nói.
Cần cấp lại giấy đi đường
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 21-9, bà Nguyễn Thị Phương - phó tổng giám đốc thường trực Vincommerce (đơn vị quản lý Vinmart/Vinmart+) - cho biết do nhiều trường hợp cách ly nên hệ thống Vinmart/Vinmart+ tại TP.HCM đang chỉ còn khoảng 50% nhân lực hoạt động.
Việc tuyển mới nhân sự gặp khó khăn do thời gian này TP không cấp giấy đi đường mới. Giao hàng qua shipper, ngoài mức phí cao, việc đặt giao vẫn rất khó. "Kênh bán online của chúng tôi mỗi ngày chỉ mở ra trong tích tắc và nhận lượng đơn khiêm tốn", bà Phương thông tin.
Theo ghi nhận, hiện hàng quán không bán trực tiếp cho khách mà phải qua shipper nên nhiều khách cách quán nước 300m cũng phải đặt qua app rồi chờ 2 - 3 tiếng mới có tài xế giao, giá cả vận chuyển lên cao ngất ngưởng.
Giao hàng gặp khó, bán hàng online quá tải, siêu thị đang tìm cách
TTO - Nhu cầu mua lẻ qua kênh online tăng mạnh, nhưng nhân viên giao hàng không đủ, đặt giao qua shipper vẫn khó... khiến nhiều siêu thị chỉ nhận đơn hàng nội quận, và tìm giải pháp để giảm tải cho kênh bán hàng online khi nhu cầu đặt mua tăng mạnh.
C.TRUNG - N.TRÍ
Nguồn tuoitre.vn