TTO - Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2021 diễn ra hôm qua 2-2 tại Hà Nội.
Người dân xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong gói hỗ trợ lần 1 ( tháng 4-2020) - Ảnh: V.LAM
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư căn cứ vào nghị quyết để xây dựng và sớm trình ban hành chương trình hành động của Chính phủ triển khai nghị quyết Đại hội Đảng XIII, đồng thời hoàn thiện, trình Quốc hội phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và các vấn đề liên quan.
Việt Nam cần chủ động có những giải pháp quyết liệt
Trong bối cảnh tình hình dịch diễn biến phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Trong đó, lưu ý nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Ông Trần Tuấn Anh - bộ trưởng Bộ Công thương - cho hay dịch đã tác động tới ngành sản xuất, khi dẫn chứng hiện nay Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có đến 8.000 công nhân đang phải cách ly tại nhà bởi dịch COVID-19.
Do đó, nếu dịch bệnh không nhanh chóng được khống chế mà tiếp tục lan rộng sẽ ảnh hưởng rất lớn và nguy cơ bị đình trệ sản xuất kinh doanh của các tập đoàn. Về lâu dài, nguy cơ này sẽ ảnh hưởng đến cả hoạt động thương mại quốc tế của chúng ta.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, phản ánh qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, thu hút nguồn vốn FDI suy giảm và khu vực dịch vụ - du lịch phục hồi chậm.
Dự báo dịch bệnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế trong cả ngắn và dài hạn. Rủi ro còn đến từ biến động chính trị, căng thẳng thương mại và tình hình nợ công trên thế giới, đòi hỏi Việt Nam cần chủ động có những giải pháp quyết liệt để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.
Thành lập tổ công tác đặc biệt tháo gỡ vướng mắc đầu tư
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp tác động sản xuất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ động bố trí nguồn lực và triển khai các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 và khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, các giải pháp tập trung như kích cầu đầu tư, giảm phí, miễn giảm một số khoản mà quy định pháp luật cho phép, tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án về gói hỗ trợ thứ 2.
Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm; thường xuyên đôn đốc triển khai các dự án, công trình quan trọng. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ, tạo chuyển biến thực chất hơn nữa về môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ vướng mắc cho đầu tư mà nhiều năm qua chưa làm được, do một phó thủ tướng đứng đầu để tháo gỡ. Đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất, ứng dụng công nghệ cao của khu vực và thế giới.
Đưa vắcxin tới người dân ngay trong quý 1
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại yêu cầu kiểm soát dịch tốt gắn với phát triển kinh tế, có biện pháp mạnh mẽ, kịp thời, đi trước thời gian nhưng không được để hoảng loạn.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế xem xét, sớm đưa vắcxin tới người dân ngay trong quý 1 này phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Tại buổi họp báo về kết quả phiên họp Chính phủ, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về khả năng kiểm soát dịch từ nay đến tết, đặc biệt là các ổ dịch đang lây lan rộng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay:
"Nếu chúng ta kiểm soát được trong vòng 10 ngày thì rất mừng. Đó là mong muốn của người dân và của tất cả các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của toàn thể hệ thống chính trị.
Cả hệ thống chính trị đang làm hết sức mình với quyết tâm cao nhất để dập dịch nhanh nhất, hiệu quả nhất để sớm đem lại cuộc sống an toàn, thanh bình và hạnh phúc cho nhân dân vui xuân, đón tết".
Chính phủ tính gói hỗ trợ lần 2
TTO - Việc nghiên cứu gói hỗ trợ kinh tế lần 2 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vẫn đang được tính toán về quy mô, phạm vi áp dụng. Chính phủ cũng sẽ có công cụ để đánh giá việc rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh...
NGỌC AN - THANH HÀ
Nguồn tuoitre.vn