Huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ xảy ra vào đầu tháng 9/2023, thiệt hại gần 180 tỷ đồng. Chính quyền huyện cho rằng, ngoài thiên tai, nguyên nhân còn có thể do “nhân tai” nên đã đề nghị UBND tỉnh Nghệ An và cơ quan liên quan xem xét, đánh giá quy trình xả lũ của các thủy điện.
Trận mưa lũ cuối tháng 9/2023 gây thiệt hại hơn 177 tỷ đồng đối với huyện Quỳ Châu.
Rạng sáng ngày 27/9, khi người dân đang ngủ, một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) bất ngờ xảy ra lũ ống, lũ quét lớn. Vì lũ xảy ra trong đêm tối nên nhiều hộ dân không kịp trở tay khiến nhiều tài sản, đồ đạc, vật dụng trong nhà bị lũ cuốn trôi, hỏng hóc. Theo báo cáo của UBND huyện Quỳ Châu, trước khi trận lũ xảy ra vào ngày 27/9/2023 trên địa bàn ghi nhận lượng mưa khá lớn, dao động từ 300-400mm. Cùng với đó, lũ trên các thượng nguồn chảy về lớn kết hợp với việc một số nhà máy thuỷ điện xã lũ với lưu lượng 2.000 - 2.500m3/s gây ra đợt ngập lụt trên diện rộng.
Với người dân tại thị trấn Tân Lạc, xã Châu Thắng, Châu Bình ngoài việc mưa to bất thường, thì việc nước sông lên nhanh trong khoảng thời gian từ 2h30 - 3h rạng sáng ngày 27/9 là hết sức bất ngờ. Bởi thời gian này, hầu hết người dân đang ngủ nên họ không kịp trở tay, di dời tài sản.
“Phải đến hơn 15 năm nay, trên địa bàn mới xảy ra đợt lũ quá khủng khiếp. Nước lên rất nhanh, lại trong khoảng thời gian rạng sáng nên hầu hết không ai kịp trở tay, chỉ biết chạy lấy người”- ông Lang Văn Thắng, trú tại thị trấn Quỳ Châu nhớ lại.
Người dân huyện Quỳ Châu trong trận mưa lũ.
Theo thống kê của UBND huyện Quỳ Châu, đợt mưa lũ cuối tháng 9/2023 vừa qua đã làm một người chết, 1.371 nhà ngập, hư hỏng các công trình giao thông, thủy lợi, điện... Ước tính, tổng thiệt hại hơn 177 tỷ đồng, đây là con số thiệt hại rất lớn, gấp 6,5 lần so với tổng thu ngân sách toàn huyện Quỳ Châu vào năm 2022.
Về việc này, ông Lê Hải Lý - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết: Các thủy điện đều thực hiện xả lũ với lưu lượng lớn nhưng chỉ thủy điện Châu Thắng có thông báo gửi huyện để địa phương có phương án cũng như thông báo tới nhân dân. Trong khi đó, các nhà máy thủy điện khác chỉ thông báo về cho Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai tỉnh cũng như Chi cục Thủy lợi nắm và thông tin. Khi huyện nhận được thông báo thì lũ lớn đã tràn về gây ngập lụt trên diện rộng. Bởi vậy, người dân cũng như chính quyền địa phương, kiến nghị tỉnh có đánh giá toàn diện khách quan, khoa học về nguyên nhân, nhất là quy trình vận hành liên hồ chứa.
Trong khi đó, hồ sơ từ Chi cục Thủy lợi Nghệ An cung cấp cho thấy: Tối 26/9, thủy điện Châu Thắng có thông báo kế hoạch vận hành xả lũ hồ chứa dự kiến từ 4h sáng ngày 27/9, lưu lượng xả từ 76m3/s đến 450m3/s. Tiếp đó, đơn vị này có thông báo với nội dung do nước hồ tăng đột biến từ việc thủy điện Nhạn Hạc xả khẩn cấp vào lúc 2h sáng 27/9 nên thủy điện Châu Thắng phải xả khẩn cấp vào lúc 2h35 sáng 27/9, lưu lượng xả từ 76m3/s đến 1.200m3/s. Sau đó, thủy điện Châu Thắng gửi tiếp thông báo với nội dung hiện tại lưu vực hồ chứa mưa to, rất to, lượng nước về hồ có xu hướng gia tăng, dự kiến mức xả lũ về hạ du có thể đến 2.500m3/s, thời gian xả lũ tăng cường từ 8h30 sáng 27/9.
Ngoài ra, trong ngày 27/9, thủy điện Nhạn Hạc cũng thông báo xả lũ với lưu lượng xả tăng cường từ 500m3/s đến 1.100m3/s.
Trước vấn đề trên, chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Châu Thắng, ông Hồ Ngọc Thiết - Giám đốc Công ty cổ phần Prime Quế Phong cho biết: Kế hoạch ban đầu chỉ xả với lưu lượng 450m3/s bắt đầu từ 23h30 tối ngày 26/9. Tuy nhiên, vào lúc 2h sáng 27/9, thủy điện Nhạn Hạc phía trên thông báo xả lũ 1.100m3/s. Tình huống lúc đó bất ngờ, bất khả kháng nên buộc thuỷ điện Châu Thắng phải thông báo khẩn cấp với lưu lượng xin xả là 1.200m3/s.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Thành - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Nghệ An cho rằng: Đơn vị cũng chỉ nhận thông báo xả lũ từ các thủy điện, sau đó phát thông báo này lên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài địa phương. Còn nội dung thông báo cho huyện, thị là trách nhiệm của nhà máy thủy điện. Được biết, liên quan đến vấn đề này, hiện Sở Công Thương Nghệ An đã lập đoàn kiểm tra việc thực hiện quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện Châu Thắng và Nhạn Hạc. Nhiệm vụ của đoàn là tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ, quy trình vận hành đơn hồ đối với các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện Châu Thắng và Nhạn Hạc; xử lý vi phạm hoặc đề xuất phương án xử lý (nếu có) và báo cáo UBND tỉnh để xem xét, giải quyết.
Chủ đề: xả lũ Quy trình có vấn đề
Nguồn daidoanket.vn