Người đàn ông bị hơn 100 cơn đột quỵ trong một tuần

  • 20/11/2023 13:51:11

Bệnh nhân là một người đàn ông 65 tuổi sống ở thành phố Hapur, Ấn Độ. Chỉ trong vòng một tuần, ông đã bị hơn 100 cơn đột quỵ nhỏ, hay còn gọi là thiếu máu não thoáng qua.

Liên tục trong suốt 6 tháng, người đàn ông gặp tình trạng yếu sức ở tay và chân phải, khó nói và khó hiểu những gì người khác nói. Ông đã đến gặp nhiều bác sĩ để kiểm tra nhưng không có được chẩn đoán chính xác.

Cuối cùng, ông đã đến Bệnh viện BLK Max ở Delhi. Bác sĩ Vinit Banga phát hiện người đàn ông bị tắc nghẽn động mạch cảnh dẫn đến các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua.

Người đàn ông bị hơn 100 cơn đột quỵ trong một tuần

Ảnh minh họa.

Sau quá trình kiểm tra chi tiết hơn, các bác sĩ phát hiện lưu lượng máu ở động mạch cảnh bên phải của ông chỉ còn 90%, trong khi động mạch cảnh bên trái bị tắc hoàn toàn. Tình trạng thiếu máu lên não này đã gây ra những cơn đột quỵ nhỏ lặp đi lặp lại đến hơn 100 lần.

"Ban đầu, các đợt thiếu máu cục bộ chỉ xảy ra 1-2 lần mỗi tuần và mỗi lần kéo dài chưa đầy 5 phút. Tuy nhiên sau đó, tần suất đã tăng lên dần dần. Số lần bị thiếu máu cục bộ tăng lên trong ngày và mỗi lần kéo dài hơn, thường là từ 10 đến 15 phút", bác sĩ Banga cho biết.

Theo các bác sĩ, đột quỵ xảy ra chủ yếu là do lưu thông máu lên não bị tắc nghẽn đột ngột hoặc xuất huyết não. Các mạch cung cấp máu cho não có thể bị thu hẹp vì nhiều lý do như tiểu đường, tăng huyết áp, hút thuốc, lối sống không khoa học cũng như cholesterol cao. Thông thường, bệnh nhân có thể được điều trị bằng thuốc cùng với thay đổi lối sống và kiểm soát yếu tố nguy cơ, nhưng trong một số trường hợp khi vết thương quá hẹp và nghiêm trọng, họ có thể cần can thiệp như đặt stent.

Các dấu hiệu đột quỵ thường gặp là yếu hoặc tê liệt một bên cơ thể, không thể nói chuyện bình thường, mất kiểm soát một bên cơ mặt, chóng mặt, đau đầu dữ dội, đột ngột bất tỉnh và hôn mê. Khi thấy các dấu hiệu này, người bệnh cần phải được đưa đi bệnh viện càng sớm càng tốt để có thể nhận biết và điều trị kịp thời nguyên nhân gây đột quỵ.

Trong trường hợp của bệnh nhân kể trên, người đàn ông bày cho biết bản thân nghiện thuốc lá. Đây có thể là yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng đột quỵ nhiều lần trong ngày. Để điều trị, các bác sĩ đã phẫu thuật bằng cách đặt ống đỡ động mạch nội sọ để ngăn ngừa nguy cơ tắc nghẽn động mạch, khôi phục nguồn cung cấp máu thích hợp cho não. Hiện sức khỏe của bệnh nhân đang dần hồi phục.

Dấu hiệu hoặc triệu chứng đột quỵ bắt đầu khi nào?

Từ trường hợp của người đàn ông Ấn Độ trên, có thể thấy tình trạng đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thậm chí nhiều lần trong ngày.

Người đàn ông bị hơn 100 cơn đột quỵ trong một tuần

Ảnh minh họa.

Thông thường, các dấu hiệu sắp bị đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ, thậm chí trước thời điểm diễn ra đột quỵ chỉ trong vài phút. Một vài trường hợp các triệu chứng cảnh báo đột quỵ sẽ diễn ra trước vài giờ.

Một số bệnh nhân trước khi đi ngủ vẫn bình thường nhưng khi sáng thức dậy thì đột ngột méo miệng, hôn mê hay liệt, yếu tay chân, nửa người.

Một số trường hợp gặp tình trạng cơn đột quỵ thoáng qua khiến các mô bị tổn thương nhẹ, thậm chí người bệnh không thể nhận biết trong vài giờ hoặc vài ngày. Điều này có thể khiến bệnh tiến triển nặng hơn, có thể gây liệt nửa người, không thể vận động hay rơi vào hôn mê.

Do đó có thể thấy khó có thể xác định được thời điểm chính xác xảy ra đột quỵ. Vậy nên, cách tốt nhất là nên chủ động phòng tránh căn bệnh này. Thực hiện khám tầm soát nguy cơ đột quỵ là giải pháp vàng hiện nay, giúp phát hiện các bệnh lý là yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Từ đó sẽ kiểm soát hoặc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để đưa các yếu tố nguy cơ này trở về bình thường, ngăn chặn chuyển biến thành đột quỵ

Phương Anh (Theo Times of India)

Nguồn giadinhonline.vn

Tin Cùng Mục

Tin Mới Nhất

Người đàn ông bị hơn 100 cơn đột quỵ trong một tuần - Đời Sống

  • Tin Mới Nhất
  • Đọc Nhiều