Ngăn giá hàng hóa té nước theo mưa

  • 04/07/2023 14:26:23

Việc tăng lương cơ sở từ ngày 1-7 có thể gây hiệu ứng tăng giá hàng hóa, cần biện pháp kiểm soát chặt chẽ để hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân

* Phóng viên: Từ ngày 1-7, lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương mức tăng 20,8%. Việc này sẽ tác động thế nào đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong thời gian tới?

Ngăn giá hàng hóa té nước theo mưa

- Bà NGUYỄN THU OANH, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Việc tăng lương cơ sở sẽ tác động đến chỉ số CPI. Lương tăng giúp đời sống cán bộ, công chức, viên chức được nâng cao, kéo theo nhu cầu tiêu dùng hằng ngày tăng lên. Khi tiêu dùng nhiều hàng hóa hơn thì tất yếu dẫn đến sự thay đổi trong quan hệ cung - cầu và tạo ra biến động giá cả hàng hóa trên thị trường.

Theo quan sát của chúng tôi, các đợt tăng lương cơ sở trước đây đều khiến giá hàng hóa tăng theo, nhất là nhóm hàng lương thực - thực phẩm.

Như vậy, bên cạnh niềm vui được tăng lương, cán bộ, công chức, viên chức cũng canh cánh nỗi lo giá cả sinh hoạt rơi vào tình trạng "té nước theo mưa". Thậm chí, có những thời điểm, lương chưa tăng nhưng hàng hóa đã rục rịch tăng giá. Bà nhìn nhận ra sao về vấn đề này?

- Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay, nhu cầu tiêu dùng của người dân không quá cao. Bên cạnh đó, nguồn cung hàng hóa thời gian qua đã được bảo đảm tốt, kể cả những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người dân. Mặt khác, các mặt hàng nguyên - nhiên liệu cũng được cung ứng đầy đủ, giúp duy trì hoạt động sản xuất thông suốt.

Thời gian qua, Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá đã có sự chỉ đạo, điều hành rất sâu sát, kịp thời. Các bộ, ngành, địa phương với sự chỉ đạo của Chính phủ cũng rất chủ động, linh hoạt trong quản lý, kiểm soát giá cả.

Từ những yếu tố trên, chúng tôi đánh giá việc tăng lương cơ sở từ ngày 1-7 có thể kéo theo giá hàng hóa tăng nhưng sẽ không tăng đột biến.

Ngăn giá hàng hóa té nước theo mưa

Nếu không có biện pháp ngăn chặn giá cả hàng hóa tăng theo mức tăng lương cơ sở từ ngày 1-7 thì việc tăng lương vẫn chưa có ý nghĩa thực chấtẢnh: HOÀNG TRIỀU

* Để việc tăng lương có ý nghĩa thực chất, hạn chế hiệu ứng giá cả hàng hóa tăng theo, theo bà, đâu là giải pháp căn cơ?

- Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp nhằm quản lý, điều hành giá đạt hiệu quả tốt khi lương cơ sở chính thức tăng từ ngày 1-7.

Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là nhóm hàng lương thực - thực phẩm, khi nhu cầu trong 6 tháng cuối năm dự báo tăng cao hơn 6 tháng đầu năm.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát giá nguyên - nhiên vật liệu đầu vào cũng cần được chú trọng. Chúng tôi kiến nghị tăng cường sử dụng các nguồn nguyên liệu trong nước để dần thay thế nguyên liệu nhập khẩu, qua đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất để hạ được giá thành, giảm áp lực cho chỉ số CPI.

Các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu một cách chủ động hơn. Phải thường xuyên theo dõi, kịp thời có giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu trong nước; tránh tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Việc kiểm soát kê khai, niêm yết giá là rất cần thiết và cần thực hiện thường xuyên, quyết liệt nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Lưu ý, cần sử dụng hiệu quả mạng lưới phân phối của các hệ thống siêu thị trên cả nước để bình ổn giá hàng hóa.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cần sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết để kiềm chế nguy cơ tăng giá, bình ổn thị trường. Giám sát chặt chẽ biến động giá của các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp quản lý, điều hành, bình ổn kịp thời, phù hợp.

Ngăn giá hàng hóa té nước theo mưa

Trong giai đoạn 2011 - 2023, mức tăng lương cơ sở trung bình là 90.000 đồng/năm Đồ họa: ANH THANH

* Cần lưu ý gì trong việc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá trong thời gian tới và thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm ở mức 4,5% trong bối cảnh còn nhiều áp lực như hiện nay?

- Cần tính toán kỹ lưỡng, thận trọng trước khi quyết định lộ trình, mức độ, thời điểm điều chỉnh giá các loại hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá. Việc điều hành giá cần thực hiện phù hợp, tránh cộng hưởng làm tăng lạm phát trong 6 tháng cuối năm.

Quan trọng không kém là các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chú trọng thông tin, tuyên truyền công khai, minh bạch, trung thực về giá cả hàng hóa để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng và gây bất ổn thị trường. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới; kịp thời cảnh báo những nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát trong nước để có biện pháp ứng phó. Bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, không để xảy ra gián đoạn.

Chính phủ cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa cùng các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Tinh thần là cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.

Sức cầu thấp, khó tăng giá hàng hóa

Chị Trần Hồng Phúc (ngụ quận 8, TP HCM) vui ra mặt khi nhận thông báo từ ngày 1-7 sẽ được tăng lương cơ sở đến hơn 20% so với trước. Thế nhưng, chị cũng lo chi phí sinh hoạt sẽ "đội" lên theo mức tăng lương.

"Nhiều lần trước, dù chưa đến thời điểm tăng lương cơ sở nhưng giá cả hàng hóa đã ít nhiều tăng lên. Lần này cũng vậy, từ đầu năm đến nay, giá điện, gas, xăng, sữa, dầu ăn... đều tăng so với năm ngoái. Mặt bằng giá tăng rõ nhất là ở các hàng quán bán đồ ăn, hầu hết đều tăng 5.000-10.000 đồng/món, thậm chí có nơi vừa tăng giá vừa cắt bớt khẩu phần của khách" - chị Phúc phản ánh.

Theo số liệu của Cục Thống kê TP HCM, trong rổ hàng hóa tính CPI tháng 6-2023, có đến 8/11 nhóm tăng giá. Trong đó, tăng cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức tăng 0,51%, chủ yếu do giá bắp, sắn, khoai, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đậu, hạt, rau củ... tăng. Bình quân 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng của TP HCM tăng 3,73% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 2,04% của năm ngoái. Diễn biến này gây gia tăng lo ngại giá cả trên thị trường sẽ "té nước theo mưa" khi lương cơ sở chính thức được điều chỉnh tăng từ ngày 1-7.

Theo giới kinh doanh, việc tăng giá trong thời điểm này là "chẳng đặng đừng" bởi giá đầu vào tăng trong khi chi tiêu của người tiêu dùng giảm sút. Tùy quy mô kinh doanh mà người bán sẽ linh hoạt tiết giảm chi phí, tìm cách kéo giảm giá cả xuống thấp và không "nói thách" để đẩy hàng ra thị trường.

"Từ đầu năm đến nay, một số mặt hàng như khô mực, nấm... đã tăng giá nhưng cũng có mặt hàng giảm giá do sức mua rất thấp. Tôi bán hàng ở chợ đã hơn chục năm nên vẫn giữ được khách "ruột" chứ người mới ra bán thời điểm này rất khó tồn tại" - chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, tiểu thương ở chợ Nguyễn Tri Phương (TP HCM), cho biết.

Ở kênh bán lẻ hiện đại, các hệ thống siêu thị và cửa hàng đều đẩy mạnh khuyến mãi, giảm giá với mức giảm lên đến 70%-80% để vừa thu hút khách vừa ủng hộ chương trình kích cầu "Shopping Season 2023" của TP HCM. Chị Đào Phương Dung, thành viên HĐQT Công ty CP Đam mê khởi nghiệp, cho biết công ty vừa khai trương tổ hợp siêu thị và dịch vụ ăn uống ở TP Thủ Đức. Do kinh tế khó khăn, sức mua yếu nên công ty đã phối hợp với các nhà cung cấp triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, chăm sóc khách hàng.

T.Nhân MINH CHIẾN thực hiệnTIN LIÊN QUAN

Nguồn nld.com.vn

Tin Cùng Mục

Tin Mới Nhất

Ngăn giá hàng hóa té nước theo mưa - Thị Trường

  • Tin Mới Nhất
  • Đọc Nhiều