Từ ca dương tính trong nhà máy phát hiện hôm 8/5, mười ngày sau Bắc Giang đã thành tâm dịch cả nước.
Nữ công nhân làm việc trong chuyền Tapping thuộc Công ty Shin Young, Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, sau đó trở thành "bệnh nhân 3243". Lúc này, Bắc Giang đang khoanh vùng ổ dịch cộng đồng tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam với các dương tính liên quan Bệnh viện K.
Ca nhiễm trong nhà máy như "đốm lửa" và sau đó dịch bùng lên tại khu công nghiệp hàng trăm nghìn công nhân với "tốc độ lây lan chưa từng thấy" trong tất cả các đợt. Trong vòng mười ngày, Bắc Giang xuất hiện ba ổ dịch: Xã Phương Sơn, Công ty Shin Young và ổ dịch Công ty Hosiden.
Hàng nghìn công nhân Khu công nghiệp Quang Châu được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, tháng 5/2021. Ảnh: Giang HuyTừ 8/5 đến 12/5, ổ dịch Shin Young đã chiếm 75 trong tổng số 79 ca nhiễm toàn tỉnh, chủ yếu là người cùng phòng trọ, khu trọ, ngồi chung xe chở công nhân, người nhà bệnh nhân. Khu công nghiệp Vân Trung, nơi xuất hiện ổ dịch có 90.000 công nhân làm việc đối mặt nguy cơ lây nhiễm.
Chính quyền, trong nỗ lực chống dịch, tuyên bố sẽ lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ công nhân; phong tỏa các khu dân cư My Điền 1, 2, 3 thuộc thị trấn Nếnh, nơi bắt đầu xuất hiện các ca nhiễm là công nhân ở trọ, lấy mẫu hơn 15.000 người khu vực này; dừng tuyến xe khách từng đưa đón ca dương tính.
"Ổ dịch Shin Young phức tạp nhưng nguy cơ thấp. Các khu công nghiệp khác về cơ bản vẫn an toàn", Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Ánh Dương thời điểm đó nhận định. Bắc Giang đã không chủ quan, khi sự cố Poyun Hải Dương hồi đầu năm để cho địa phương này bài học cảnh giác. Song, "cơn ác mộng" chỉ mới bắt đầu.
Khi Bắc Giang đang khoanh vùng, truy vết ổ dịch Shin Young, thì ngày 14/5 xuất hiện thêm ổ mới tại Công ty Hosiden, Khu công nghiệp Quang Châu. 12 ca nhiễm cùng một phân xưởng khiến công ty phải tạm dừng hoạt động, cách ly hơn 6.000 công nhân để xét nghiệm sàng lọc. Trong vòng 5 tiếng đồng hồ, từ 12h đến 17h cùng ngày, báo cáo của tỉnh ghi nhận thêm 20 ca mắc mới.
Ngành y tế sau này tổng kết nCoV biến chủng Ấn Độ nhân nhanh gấp 1,7 lần, phát tán mầm bệnh rộng trong môi trường kín là một trong những lý do khiến dịch lan nhanh, mạnh ở Bắc Giang. Tỷ lệ F1 chuyển thành F0 tới 55% tại ổ dịch Công ty Hosiden và Công ty SJ Tech (xưởng Shin Young) lên tới 79%. Có thời điểm ca nhiễm ghi nhận trong ngày lên đến 375, xô đổ mọi kỷ lục về số bệnh nhân từ khi đại dịch xuất hiện trong nước.
Bắc Giang ban đầu dự kiến bệnh nhân phải điều trị dao động từ 500 đến 1000 người, song Bộ Y tế yêu cầu tỉnh phải xây dựng kịch bản số ca nhiễm cao hơn 3.000.
Trung tâm TP Bắc Giang vắng lặng trong những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Ảnh: Ngọc ThànhTừ khi dịch xuất hiện trong khu công nghiệp đến cuối tháng 5, Bắc Giang phải đuổi theo dập dịch khi tốc độ lây nhanh và vùng dịch lan rộng. Mười ngày sau khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên là công nhân, sáng 18/5, tỉnh phải dừng hoạt động bốn khu công nghiệp Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám và Song Khê - Nội Hoàng với 136.000 lao động làm việc trong gần 400 doanh nghiệp. Động thái được đưa ra sau khi toàn tỉnh ghi nhận 411 ca dương tính, phần lớn là công nhân, chiếm gần một phần ba tổng số ca nhiễm cả nước.
Quyết định mà Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Ánh Dương cảm thấy khó khăn khi không còn lựa chọn nào khác. "Nhưng Bắc Giang chấp nhận rủi ro để giữ an toàn cho cả nước", ông nói.
Việc tạm dừng bốn khu công nghiệp khiến Bắc Giang mất đi 2.000 tỷ mỗi ngày. Chính quyền kêu gọi công nhân ở lại, hạn chế về quê dễ phát tán mầm bệnh khắp cả nước. Tuy nhiên sau đó Thái Nguyên, Thanh Hóa ghi nhận các ca nhiễm đều liên quan đến công nhân vùng dịch về nhà.
Bắc Giang cùng lúc phải giải nhiều bài toán, hỗ trợ cho hơn 60.000 công nhân trong vùng cách ly xã hội, ở nhà trọ không thể đi làm; tìm đường đi an toàn cho vải thiều trong tâm dịch...
Chính quyền liên tiếp nâng cấp biện pháp phòng dịch. 6 trong 10 huyện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 gồm Việt Yên, Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Yên Thế. Các huyện Tân Yên, TP Bắc Giang giãn cách theo Chỉ thị 15. Chính quyền kêu gọi người dân "cửa đóng then cài, không đến nhà ai, không ai đến nhà để dập dịch". Toàn tỉnh áp dụng các biện pháp gần như cách ly xã hội dù không có chủ trương chính thức.
So với Đà Nẵng hồi tháng 7/2020, "mặt trận" Bắc Giang khiến ngành y tế lo ngại. Đà Nẵng xét nghiệm nhanh một thì Bắc Giang phải nhanh gấp mười mới chặn được dịch. "Phải dập được ổ dịch Bắc Giang. Nếu không làm được là thất bại, dịch sẽ lây lan ra các tỉnh thành khác", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định.
Tình nguyện viên lấy mẫu xét nghiệm người dân My Điền (Việt Yên) vào lúc chiều muộn để tránh nắng nóng 40 độ C. Ảnh: Hồng Nhung
Đáp lời kêu gọi của Bắc Giang và lãnh đạo ngành y, hàng nghìn y bác sĩ, sinh viên trường y được các địa phương, bộ ngành gửi vào tâm dịch. Bộ Quốc phòng điều động hàng trăm quân y giúp lấy mẫu, truy vết, lập phòng xét nghiệm. Bộ Công an tung hơn 500 cán bộ chiến sĩ hỗ trợ phân luồng an ninh, kiểm soát chốt chặn. Hơn 1.400 y bác sĩ đi vào tâm dịch, chưa kể hơn 28.000 tình nguyện viên đăng ký sẵn sàng lên đường khi có lệnh.
Chính quyền chủ trương xét nghiệm diện rộng, lấy trên 300.000 mẫu phần lớn là công nhân các khu công nghiệp, trọng tâm là huyện Việt Yên. Người thuộc diện nguy cơ cao được xét nghiệm quay đầu 3 đến 4 lần. Tầm soát Covid-19 trên diện rộng đã giúp Bắc Giang phát hiện, triệt tiêu được nhiều đốm dịch có nguy cơ bùng phát trong khu dân cư.
Tốc độ lấy mẫu lẫn công suất xét nghiệm dần nâng lên, giải quyết được khâu yếu nhất trong chống dịch của tỉnh. Một tháng qua, Bắc Giang đã lấy hơn 900.000 mẫu xét nghiệm, nhiều nhất trong tất cả các đợt từ khi Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam.
Thôn Núi Hiểu thuộc xã Quang Châu, bao quanh khu công nghiệp cùng tên, có hơn 8.000 công nhân ở trọ được xác định là lõi tâm dịch. Chính quyền đã "sơ tán" tổng cộng ba đợt hơn 5.000 công nhân đi cách ly tập trung để giãn bớt mật độ khu vực này. Thậm chí huyện Việt Yên đã tạm dừng điều hành công việc của chủ tịch xã Quang Châu một ngày để ông này tập trung nhiệm vụ đưa công nhân đi cách ly.
Những công nhân đầu tiên ở Bắc Giang trở lại nhà máy hôm 29/5, mười một ngày sau khi bốn khu công nghiệp tạm dừng hoạt động để phòng dịch. Ảnh: Nguyễn NgọcTâm dịch Bắc Giang hôm 1/6 có dấu hiệu hạ nhiệt khi số ca nhiễm trong đợt thứ xét nghiệm thứ hai giảm một nửa so với lần đầu. Liên tiếp nhiều ngày, báo cáo của Ban chỉ đạo chống dịch tỉnh dự báo "những ngày tới số lượng ca nhiễm vẫn tăng do xét nghiệm lần hai, lần ba những khu nguy cơ cao đã được cách ly, song số lượng sẽ tăng chậm lại và giảm dần". Dịch đang co dần lại ở huyện Việt Yên.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nhìn nhận tỉnh đã bước đầu kiểm soát được dịch, khống chế được hai ổ dịch xã Phương Sơn và Công ty Shin Young. Chỉ còn ổ dịch tại Khu công nghiệp Quang Châu, mà vùng lõi của dịch là thôn Núi Hiểu còn phức tạp. Những ngày tới, các lực lượng chống dịch sẽ dồn sức dập ổ dịch này. Chính quyền đang khảo sát các địa điểm để đưa nốt 2.800 công nhân đi cách ly tập trung. Các nhà trọ công nhân, khu dân cư sau đó sẽ được khử trùng, làm sạch để triệt tiêu mầm bệnh.
Chiến lược chống dịch của Bắc Giang từ đây chuyển sang giai đoạn mới. "Cần phải tinh hơn, chặt chẽ và quyết liệt hơn để sớm chấm dứt dịch bệnh, không thể dây dưa mãi thì không biết đến bao giờ mới dập dịch xong", Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái nói hôm 2/6, trong hội nghị trực tuyến chống dịch toàn tỉnh.
Theo ông Thái, giai đoạn trước Bắc Giang chống dịch theo kiểu sàng vớt các F0, giờ chủ động "nhặt sạn" các ca dương tính. Các địa phương phải kiểm soát chặt, theo dõi đủ một tuần số F1 hết cách ly trở về. Các tổ Covid cộng đồng phải hoạt động thực chất hơn. Nếu để bùng phát ổ dịch tại địa phương, người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm. Tốc độ xét nghiệm phải nhanh hơn, trả kết quả trong vòng 24 giờ để phục vụ truy vết. Trong giai đoạn trước, xét nghiệm chậm, không theo kịp chu kỳ lây lan khiến tỉnh phải chạy theo sau dịch bệnh.
Sau gần một tuần khôi phục lại hoạt động bốn khu công nghiệp, hơn 6.000 lao động đã trở lại nhà máy. 35 tổ công tác thường xuyên kiểm tra điều kiện an toàn phòng dịch, ký túc xá, quy trình đưa đón công nhân. Chính quyền đưa ra hàng loạt yêu cầu cụ thể ngăn dịch quay lại nhà máy, buộc doanh nghiệp phải đáp ứng được mới có thể sản xuất trở lại.
Về lâu dài, tỉnh chọn cách đẩy tiến độ tiêm vaccine cho công nhân. Trong tuần, Bộ Y tế phấn đấu cung cấp đủ 100.000 liều vaccine để Bắc Giang tiêm cho công nhân và phân bổ thêm 50.000 liều để tỉnh phòng, chống dịch.
Hoàng PhươngNhững biến chủng nCoV mới đã phát tán mầm bệnh nhanh hơn trước. Các y bác sĩ phải chạy đua với tốc độ lây nhiễm hàng trăm ca mỗi ngày. Để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, các cá nhân và doanh nghiệp có thể đồng hành cùng báo VnExpress trong chương trình "Tiếp sức cho tâm dịch". Xem chi tiết tại đây.Trở lại Thời sựTrở lại Thời sựChia sẻ ×
Nguồn vnexpress.net