HTX vẫn thấp thỏm thị trường cuối năm

  • 18/09/2022 19:24:05

Thời điểm này, các HTX chăn nuôi đang tính toán để tăng đàn, tái đàn một cách hợp lý nhằm phục vụ cho dịp cuối năm. Tuy nhiên, thị trường bấp bênh khiến các HTX vẫn không khỏi lo lắng.

 

Ứng dụng công nghệ 4.0: Hướng đi giảm nghèo bền vững của HTX vùng đồng bào DTTS HTX làm giàu với du lịch sinh thái nông thôn Phát triển HTX lâm nghiệp bền vững, cần 'đòn bẩy' từ chính sách

HTX nông nghiệp, thương mại An Khang (Thái Nguyên) thời điểm này đã bắt đầu tái đàn để phục vụ thị trường Tết.

Dè dặt tái đàn 

Ông Nguyễn Minh Khang, Giám đốc HTX cho biết năm nay Tết dương lịch và âm lịch chênh nhau không nhiều như mọi năm, trong khi mỗi lứa gà, HTX phải từ 4 tháng mới có thể xuất chuồng nên hiện là thời điểm phù hợp để tái đàn và tăng đàn phục vụ thị trường.

Theo ông Khang, nhu cầu tiêu dùng thịt gà hiện tăng mạnh khiến giá gà cũng đang tăng. Nếu như tháng 3, giá gà chỉ khoảng 55.000 đồng/kg thì nay đã lên khoảng 75.000- 90.000 đồng/kg tùy từng loại. Tuy nhiên, sau khi tính toán, HTX chỉ tăng khoảng 3.000 con gà so với lứa cũ, đưa tổng số gà phục vụ thị trường Tết là khoảng 23.000 con. Theo tính toán của HTX, nếu đến dịp cuối năm, giá gà nhích lên 10-15% thì HTX có thể lãi khoảng 15.000-20.000 đồng/kg.

Cũng là đơn vị chăn nuôi trên quy mô lớn, HTX Chăn nuôi gà Tâm Việt (Đồng Nai) thông thường nuôi khoảng 100.000 con gà, 30.000 con lợn và trên 10.000 con dê. Dự tính, vào giữa tháng 9 này HTX sẽ tăng các đàn vật nuôi nhằm phục vụ cho thị trường cuối năm.

“Hiện giá các loại vật nuôi đã tăng so với đầu năm. Mong giá cả tiếp tục ổn định hoặc tăng để người chăn nuôi có cái tết ấm cúng”, ông Lê Đình Ngoãn, Giám đốc HTX nói.

Theo các HTX, việc quyết định tăng đàn là do cuối năm, nhu cầu thị trường lớn nên bán thường được giá hơn. Đặc biệt, hiện nay một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ chuồng hoặc chỉ đang sử dụng khoảng 20-30% diện tích chuồng nuôi bởi bị lỗ triền miên trong 2 năm qua và áp lực lãi suất ngân hàng. Nếu đầu tư nuôi lớn, dịch bệnh bùng phát thì họ sẽ lỗ nặng. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho HTX tái đàn.

HTX vẫn thấp thỏm thị trường cuối năm

Chính sách bình ổn giá thịt lợn của cơ quan quản lý đang bảo vệ người tiêu dùng nhưng lại khiến người dân, HTX chăn nuôi gặp khó khăn.

Vẫn quyết định tái đàn và tăng đàn để phục vụ thị trường Tết nhưng theo đại diện các HTX, khó khăn nhất hiện nay là giá con giống và thức ăn chăn nuôi vẫn đang ở mức cao. Chẳng hạn như để nuôi 1.000 con gà theo đúng quy trình phải mất ít nhất 4 tháng mới được xuất chuồng và HTX phải tốn khoảng 150-160 triệu đồng chi phí cám, đắt hơn so với cách đây 2 năm khoảng 60-70 triệu đồng.

Còn đối với giá lợn hơi, hiện giá tại cửa chuồng là 64.000-67.000 đồng/kg. Đối với những HTX chăn nuôi theo chuỗi thì mức giá này đã bắt đầu có lãi nhưng các HTX cũng chỉ dám tăng 20-40% so với đàn lợn cũ.

Ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc HTX Chăn nuôi Hoàng Long (Hà Nội) lý giải nguyên nhân của tình trạng trên là vì ngoài nỗi lo dịch bệnh có thể xảy ra bất thường còn do giá cám hiện chưa hạ nhiệt, giá lợn giống quá cao lại khan hiếm. Nếu có lợn giống thì cũng không rõ nguồn gốc nên các HTX không dám đầu tư mạnh. Bên cạnh đó, các đại lý thức ăn chăn nuôi không bán chịu nên chuyện HTX dè dặt tái đàn là chuyện dễ hiểu.

Ngoài vấn đề đầu vào, đầu ra cũng là điều khiến các HTX lo lắng. Bởi dù là đơn vị chăn nuôi lớn và kết nối được với cửa hàng bán lẻ nhưng thực chất, mức độ tiêu thụ của các đơn vị bán lẻ cũng không quá lớn.

Thị trường bấp bênh, quyền lợi bỏ ngỏ

Bên cạnh đó, theo đánh giá của các chuyên gia, giá vật nuôi hiện nay bị phụ thuộc rất lớn vào thị trường và sự điều hành của cơ quan Nhà nước nên các thành viên HTX dù là người trực tiếp sản xuất cũng không thể biết chính xác giá vật nuôi khi xuất chuồng, trừ những HTX liên kết theo hợp đồng với các doanh nghiệp chế biến.

“Tâm lý chung của nông dân, thành viên HTX là khi nào giá cao thì đẩy mạnh sản xuất. Tuy nhiên, phải 4-5 tháng sau mới đến kỳ thu hoạch, khi đó thương lái, đơn vị thu mua báo giá cao, người chăn nuôi hưởng lợi, trường hợp người mua ép thì người nuôi phải chịu thiệt”, ông Hoàng Trọng Long nói.

Theo các chuyên gia, với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong 2022, Chính phủ đang áp dụng một số biện pháp điều tiết giá ngành chăn nuôi, nhất là giá lợn để bình ổn thị trường, tránh trường hợp giá thịt lợn tăng quá nhanh. Bên cạnh đó, đến thời điểm hiện nay chưa có dấu hiệu thiếu hụt nguồn cung trong nửa cuối năm 2022. Do vậy, đà tăng giá của một số loại vật nuôi gần đây có thể chỉ kéo dài trong ngắn hạn.

Đi liền với đó là giá thức ăn chăn nuôi trong nước luôn có độ trễ hơn so với giá nông sản thế giới. Vì vậy, chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ vẫn ở mức cao từ nay đến cuối năm, nếu không muốn nói là còn không ít yếu tố bất ngờ và khó đoán. Điều này có thể nhận thấy khi tổ chức Lương thực và Nông nghiệp thế giới FAO công bố chỉ số giá ngũ cốc giảm 2 con số trong cuối tháng 7 thì ngay sau đó, bước sáng tháng 8, giá đậu nành và giá bắp lập tức tăng trở lại. Trong khi đây là 2 nguyên liệu mà các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi nhập đến 90%.

Chính vì vậy, dù nhận định thị trường Tết nhu cầu tiêu dùng có tăng nhưng chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, nguyên phó giám đốc đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên ủy viên BCH Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, cho rằng việc các HTX không tăng đàn ồ ạt và chỉ tái đàn, tăng đàn khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất là đang đi đúng hướng với khuyến cáo của các ngành chức năng.

Bởi giá lợn, gà thời gian gần đây có tăng giá và mang đến chút niềm tin để người dân, HTX tái đàn phục vụ lễ, Tết cuối năm nhưng những dự báo về giá thức ăn chăn nuôi vẫn khiến người chăn nuôi lo lắng.

Điều lo lắng này là hoàn toàn có cơ sở bởi nếu giá lợn hơi đạt mức khoảng 6 triệu đồng/tạ như hiện nay thì người nuôi chủ yếu là hòa vốn, đó là chưa nói có thể lỗ bởi thực phẩm chăn nuôi từ trang trại đến bàn ăn hiện nay trải qua rất nhiều khâu trung gian.

Trước chính sách bình ổn giá lợn của cơ quan quản lý nhằm bảo vệ người tiêu dùng, ông Vũ Vinh Phú cho rằng giá thịt lợn tăng ở mức trên dưới 70.000 đồng/kg mới là điều tốt vì giá lợn hơi tăng mới bảo vệ quyền lợi của người chăn nuôi, bởi các HTX và người chăn nuôi chính là chủ thể của chuỗi sản xuất. 

Theo ông Phú, cơ quan nhà nước chỉ nên đưa ra các biện pháp quản lý giá trong trường hợp giá thịt lợn hơi lên cao trên 85.000 đồng/kg và diễn ra phổ biến như các năm trước. Bên cạnh đó, cần tìm phương án chủ động nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, giảm các chi phí nhập khẩu của các loại nguyên liệu này. Vì về phía người chăn nuôi và HTX, dù rất muốn giảm giá lợn hơi để kích cầu tiêu thụ nhưng riêng chi phí thức ăn đang chiếm 70-75% tổng giá thành chăn nuôi.

Huyền Trang

Nguồn vnbusiness.vn

Tin Cùng Mục

Tin Mới Nhất

HTX vẫn thấp thỏm thị trường cuối năm - Thị Trường

  • Tin Mới Nhất
  • Đọc Nhiều