Nhiều ngân hàng công bố giảm 0,2-1,5% so với lãi suất cho vay hiện hành nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cuối năm.
Vietcombank giảm đồng loạt 1% lãi suất cho vay trong 3 tháng từ ngày 15/12/2020 đến tháng 3 năm sau cho tất cả doanh nghiệp đang có dư nợ và khách hàng vay mới. Đối với những dự án hiệu quả, lãi suất cho vay ngắn hạn có thể chỉ ở mức 6% một năm.
BIDV cũng vừa hạ lãi suất lần thứ 3 liên tiếp đối với gói vay "Kết nối - Vươn xa" dành cho khách hàng cá nhân. Theo đó, khách hàng được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 5% một năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng hoặc chỉ từ 5,5% mỗi năm với các khoản vay từ 6 đến 12 tháng (giảm 0,5% một năm đối với tất cả kỳ hạn).
Ngoài ra, với những khoản cho vay tiêu dùng như vay mua nhà, ôtô của hầu hết ngân hàng đều giảm nhẹ 10 - 20 điểm phần trăm so với cuối quý III/2020, ở mức 7-9,5% một năm cho kỳ lãi suất cố định...
Giao dịch tại một ngân hàng cổ phần ở Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.
Các ngân hàng khác như Techcombank, TPBank, HSBC, Shinhan... cũng giảm lãi suất cho vay mua nhà. Cụ thể, Techcombank giảm lãi suất gói cố định 12 tháng đầu tiên từ 8,29% xuống còn 7,59% một năm. Shinhan Bank giảm lãi suất từ 7% xuống 6,6% một năm. Các ngân hàng TPBank, Hong Leong Bank, HSBC giảm từ 0,6-1,5% mỗi năm.
Trong nhiều năm qua, chưa bao giờ mặt bằng lãi suất cho vay lại hấp dẫn như hiện nay. Mức lãi suất cho vay tại các ngân hàng đang dao động 4,8-6,5% một năm với các khoản vay dưới 6 tháng và 5,5-7,5% một năm với các khoản vay từ 6 đến 12 tháng.
Như vậy, từ đầu năm tới nay, các ngân hàng lớn, nhỏ đã liên tiếp giảm lãi suất cho vay, có nơi hạ 2,5-3% so với thời điểm đầu năm.
Theo tính toán của Vietcombank, đợt giảm lãi suất lần thứ 5 của nhà băng này sẽ góp phần tác động đến khoảng 150.000 doanh nghiệp, giảm lãi khoảng 300 tỷ đồng, nâng tổng số tiền hỗ trợ lên khoảng 3.700 tỷ đồng.
Động thái giảm lãi suất cho vay của các nhà băng diễn ra sau khi có sự hỗ trợ từ phía Ngân hàng Nhà nước. Từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã liên tiếp điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất, tổng mức giảm 1,5-2% một năm đối với lãi suất điều hành. "Mặt bằng lãi suất cho vay giảm đã góp phần giảm bớt khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp và người dân", Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Ngoài việc giảm lãi suất theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch, đây cũng được xem là giải pháp để các nhà băng kích cầu tín dụng.
Đến nay, do nhu cầu vay thấp nên tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế chỉ tăng gần 8% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm trước tăng gần 11%). Để tạo dư địa cho vay dịp cuối năm, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa đồng ý nới hạn mức tăng trưởng tín dụng lần thứ 2 trong năm nay cho một số ngân hàng thương mại, trong đó mức cao nhất lên tới 30%.
Với mặt bằng lãi suất cho vay giảm và nhu cầu vốn sản xuất gia tăng trong các tháng cuối năm, Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt - BVSC đánh giá, tín dụng trong quý cuối năm 2020 nhiều khả năng sẽ dần cải thiện so với ba quý đầu năm. Tuy nhiên, mức cải thiện sẽ không đủ lớn để khiến thanh khoản hệ thống căng thẳng trở lại.
Nguyễn NamTrở lại Kinh doanhTrở lại Kinh doanhChia sẻ ×
Nguồn vnexpress.net