EVN: Không tăng giá điện trong năm 2022

  • 09/04/2022 07:18:39

Cam kết không tăng giá điện trong năm 2022 dù phải chấp nhận lợi nhuận bằng 0, nhưng EVN cho biết sẽ khó cân đối trong các năm tiếp theo nếu giá nhiên liệu đầu vào vẫn tăng.

Cam kết không tăng giá điện trong năm 2022 dù phải chấp nhận lợi nhuận bằng 0, nhưng EVN cho biết sẽ khó cân đối trong các năm tiếp theo nếu giá nhiên liệu đầu vào vẫn tăng.

Thông tin này được ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nêu tại hội thảo Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện, ngày 8/4.

Theo ông, xung đột Nga - Ukraine, tình hình biến động địa chính trị thế giới khiến giá nhiên liệu sơ cấp cho sản xuất điện như than, khí... tăng mạnh. Giá than nhập khẩu đã tăng gấp 3 lần so với trước, lên gần 200-220 USD một tấn. Giá LNG cũng tăng gấp ba, lên 18-20 USD một triệu BTU. Tương tự với giá sắt thép vật liệu xây dựng để thực hiện các dự án nguồn, truyền tải điện. Các yếu tố này khiến ngành điện chịu áp lực đầu vào (đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh), trong khi giá bán đầu ra ba năm nay chưa được điều chỉnh.

Sau khi cân đối các nguồn phát điện, ông Tài Anh cho biết, EVN cam kết với Chính phủ không tăng giá điện trong năm 2022, đảm bảo đủ điện cho phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Dù vậy, nếu tình hình giá nhiên liệu sơ cấp vẫn leo thang như hiện nay thì việc cân đối đầu vào và bán điện sẽ "cực kỳ khó khăn".

"Lợi nhuận năm nay bằng 0 thì có thể cân đối, nhưng nếu các năm sau mà tiếp tục như vậy, cùng giá nhiên liệu, chi phí đầu vào vẫn tăng, EVN sẽ không thể cân đối được", ông cho hay.

EVN: Không tăng giá điện trong năm 2022

Ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN tại hội thảo Khơi thông nguồn vốn vào ngành điện, ngày 7/4. Ảnh: Minh Anh

Lúc đó, Chính phủ, các bộ ngành cần tính toán để có giải pháp đảm bảo hài hoà lợi ích của doanh nghiệp, người dân, làm sao để giá điện ở mức hợp lý, nền kinh tế chịu đựng được.

Thực tế, không riêng Việt Nam đang chịu những áp lực đầu vào sản xuất, kinh doanh điện. Chẳng hạn, từ đầu tháng 4, cơ quan quản lý Singapore đã quyết định tăng 30% giá bán lẻ điện (so với mức giá 26 cent SGD/kWh hiện nay) do giá LNG tăng vọt.

2022 là năm thứ ba liên tiếp giá bán lẻ điện bình quân giữ nguyên dù giá nhiên liệu đầu vào cho phát điện tăng rất cao. Việc này theo các chuyên gia, sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào ngành điện giai đoạn tới.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Cục phó Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), tổng vốn đầu tư phát triển điện đến 2030 là gần 142,6 tỷ USD. Tức bình quân mỗi năm Việt Nam sẽ cần khoảng 14 tỷ USD đầu tư vào nguồn và lưới điện, trong đó 75% nhu cầu vốn cho nguồn, còn lại là lưới điện.

Với mức tăng trưởng điện hiện là 8-10% mỗi năm, số vốn cần huy động đầu tư vào các dự án điện (nguồn, lưới) khoảng 8-9 tỷ USD một năm. EVN chiếm một phần ba tỷ trọng nguồn điện phát cả nước, còn lại thuộc về các tập đoàn khác như PVN, TKV hay các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời).

Ông Tài Anh cho biết, để đáp ứng điện cho phục hổi phát triển kinh tế, EVN đang nỗ lực ở mức cao nhất để đảm bảo tiến độ của các dự án nguồn điện, đưa vào vận hành đúng kế hoạch. Với nhu cầu đầu tư lớn cho điện trong giai đoạn tới, 14 tỷ USD một năm cho điện, ông Tài Anh cho biết "EVN không đủ khả năng chịu đựng nguồn vốn lớn như vậy, cần sự tham gia của các thành phần kinh tế khác". Hiện mỗi năm tập đoàn này đầu tư khoảng 86.000 tỷ đồng (tương đương 3,5 tỷ USD) vào nguồn và lưới điện.

Việc thu hút vốn đầu tư tư nhân vào ngành điện là cần thiết. Song theo các chuyên gia, đây là bài toán không đơn giản nếu không giải quyết và có sự phối hợp chặt chẽ trong chính sách, cơ cấu giá...

Thực tế, khối tư nhân tính toán nhiều đến lợi nhuận tại mỗi dự án, việc thu xếp vốn từ các tổ chức tín dụng cũng đánh giá kỹ về triển vọng lợi nhuận, nên về dài hạn, chi phí điện còn gia tăng, ảnh hưởng đến thu hút nguồn vốn đầu tư cả trong lẫn ngoài nước vào các dự án điện.

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, cho rằng với doanh nghiệp tư nhân không thể chấp nhận việc lợi nhuận bằng 0 như EVN cam kết với Chính phủ, bởi đầu tư là phải có lợi nhuận.

"Chúng ta sẽ không thể yêu cầu họ vì lợi ích quốc gia mà rót vốn vào làm điện sạch, nhưng lợi nhuận lại bằng 0. Họ sẽ không làm việc đó", ông Sơn nói.

Giải pháp được ông nhấn mạnh, là tạo môi trường khuyến khích đầu tư có hiệu quả, cùng cơ chế chính sách cần mang tính dài hạn và giá điện ở mức chấp nhận được, đảm bảo nhà đầu tư có lãi. Câu chuyện phát triển năng lượng tái tạo vừa qua là ví dụ.

Ông Sơn nói thêm, phải quay lại câu chuyện là giá bao nhiêu để nền kinh tế có thể chịu đựng được, ngân sách có thể đưa ra để kích thích đầu tư có thể chấp nhận được?

"Đây là bài toán khó khăn, cần sự tham gia của cấp cao nhất trong định hướng, rằng 5-10 năm tới hay 30 năm tới chúng ta định phát triển theo hướng nào, cơ cấu nguồn điện ra sao và nền kinh tế chấp nhận chi trả bao nhiêu...", ông nói.

Dù vậy, trước mắt khó khăn trong triển khai các dự án điện vẫn còn nhiều. Ông Tài Anh nêu, các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng còn thiếu đồng bộ; trình tự, thủ tục trong công tác chuẩn bị đầu tư phải qua nhiều bước dẫn đến thực hiện thời gian kéo dài, khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích đất rừng, thu xếp vốn. Những tồn tại này cần được tháo gỡ để tiến độ triển khai các dự án điện được đẩy nhanh.

PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc cho rằng, để thu hút đầu tư vào ngành điện cần cơ chế điều chỉnh giá điện

Nhà đầu tư Nhà nước hay tư nhân cũng đều phải có lợi ích khi bỏ vốn. Với Nhà nước là lợi ích tổng thể khi dùng đồng vốn ngân sách, còn với tư nhân là lợi nhuận.

Với ngành điện, hiện đã có thị trường phát điện cạnh tranh, nhưng giá bán điện cho hộ tiêu dùng cuối cùng vẫn do Nhà nước quy định. Tức, EVN là đơn vị bán lẻ lớn nhất, họ mua điện theo giá biến động thị trường, nhưng bán ra lại theo giá Nhà nước quy định.

Với cơ chế giá bán điện đã 3 năm không được điều chỉnh, trong khi giá, chi phí đầu vào liên tục biến động, ông Hồi cho rằng, sẽ khó đảm bảo an ninh cung ứng điện, khó thu hút đầu tư vào ngành điện trong khi nhu cầu vốn đầu tư mỗi năm khoảng 14 tỷ USD từ nay đến 2030.

"Giá điện là chi phí của đơn vị kinh tế này, nhưng lại là lợi ích của đơn vị kinh tế khác, nên vai trò điều tiết của cơ quan quản lý Nhà nước trong tính toán cơ chế điều chỉnh giá rất quan trọng để làm sao vẫn thu hút đầu tư mà vẫn đảm bảo lợi ích xã hội tổng thể", ông nói.

Anh MinhTrở lại Kinh doanhTrở lại Kinh doanhChia sẻ ×

Nguồn vnexpress.net

Tin Cùng Mục

Tin Mới Nhất

EVN: Không tăng giá điện trong năm 2022 - Tin Tức

  • Tin Mới Nhất
  • Đọc Nhiều