Công ty dược phẩm nội đang đầu tư có chiều sâu vào công nghệ để gia tăng năng lực sản xuất, chất lượng và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trước tiềm năng trở thành trung tâm dược phẩm khu vực
Trong đầu những năm 1980, Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm chỉ là cơ sở sản xuất thuốc kháng sinh Amoxicillin cùng các sản phẩm từ hoạt chất Paracetamol tại Đồng Tháp. Mới đây, doanh nghiệp dẫn đầu thị trường thuốc kháng sinh tại Việt Nam này tạo dấu ấn chuyển mình khi Imexpharm là một trong số công ty trong nước hiếm hoi tham gia sự kiện CPhI tại Barcelona, Tây Ban Nha. CPhI là sự kiện quốc tế thường niên quan trọng nhất của ngành dược, kết nối các nhà sản xuất dược hàng đầu trên toàn thế giới nhằm trao đổi các sáng kiến đổi mới công nghệ, sản phẩm mới, tìm kiếm đối tác và kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu…
“Đây là bước đi quan trọng của chúng tôi nhằm tiếp cận các thị trường mới. Tại đây, Imexpharm đã có cơ hội giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm các đối tác tiềm năng và bước đầu được các đối tác quốc tế ghi nhận, đánh giá cao”, Tổng giám đốc Imexpharm, Thầy thuốc Nhân dân, Dược sĩ Trần Thị Đào, cho biết.
Cũng như Imexpharm, nhiều doanh nghiệp dược phẩm nội đang có tốc độ tăng trưởng hai chữ số mỗi năm và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngòai như: Dược Hậu Giang (DHG), Domesco (DMC), Traphaco (TRA), Imexpharm (IMP), Pymepharco (PME)… Điểm gây ấn tượng là trong vài năm gần đây, dù kết quả kinh doanh của nhiều nhóm ngành "thụt lùi" thì đa phần các doanh nghiệp trong nhóm ngành dược phẩm vẫn tiếp tục ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng nhờ triển vọng khả quan của ngành.
Tăng trưởng ổn định giúp nhiều công ty tập trung đầu tư cho chiều sâu công nghệ, hiện đại hoá năng lực sản xuất. Đến nay, cả nước đã có hơn 228 nhà máy sản xuất dược phẩm, trong đó có 18 nhà máy đạt chuẩn EU-GMP.
Toàn cảnh Nhà máy công nghệ cao IMP4 Bình Dương của Imexpharm 1 (Ảnh: Imexpharm).
Đây là nền tảng mà Dự thảo Chiến lược của ngành dược mới đây đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực; tiếp nhận chuyển giao công nghệ, gia công có phối hợp chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc biệt dược gốc, vắc xin, sinh phẩm và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được...
Các doanh nghiệp dược Việt Nam có khả năng sản xuất thuốc gốc và tận dụng lợi thế chuyển giao công nghệ để chuyển đổi từ gia công thành sản xuất sản phẩm phức tạp. Theo báo cáo mới nhất của Công ty kiểm toán KPMG, dược phẩm phát minh ước tính đã đóng góp 1,16 tỷ USD vào GDP năm 2021, cùng với tốc độ tăng trưởng hằng năm lên đến 10% trong thời gian tới. Chính phủ cũng đặt ra Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Chuẩn EU–GMP và lợi thế vào thị trường châu Âu
Các công ty dược Việt Nam đang hiện thực hoá mục tiêu này không chỉ qua đẩy mạnh sản xuất thuốc generic nhượng quyền mà trong những năm gần đây nhiều nhà sản xuất đã đầu tư mạnh mẽ cho R&D để có sản phẩm chất lượng có tiêu chuẩn quốc tế. Imexpharm khẳng định rằng với 3 cụm nhà máy EU- GMP, 11 dây chuyền đạt chuẩn EU-GMP, dẫn đầu cả nước về số lượng dây chuyền về tiêu chuẩn châu Âu, Imexpharm đủ năng lực sản xuất những sản phẩm cạnh tranh với thuốc ngoại. Công ty cũng trở thành đối tác liên doanh, nhượng quyền, gia công của nhiều tập đoàn Dược hàng đầu thế giới như Sandoz, Sanofi-Aventis, Pharmascience, DP Pharma,...
Kỹ thuật viên vận hành hệ thống máy từ xa tại nhà máy EU-GMP của Imexpharm (Ảnh: Imexpharm).
Báo cáo của FPT Research nhận định, Imexpharm hiện đang giữ vị trí dẫn đầu trong thị trường thuốc kháng sinh tại Việt Nam và có nhiều lợi thế để duy trì sức cạnh tranh tại thị trường trong và ngoài nước. Các nhóm thuốc kháng sinh phổ biến như Cephalosporin hay Penicillin, chiếm hơn 70% giá trị tại thị trường Việt Nam cũng là các sản phẩm chủ lực của Imexpharm. Imexpharm hiện có 12 số đăng ký cho 7 sản phẩm được phép phân phối và lưu hành tại châu Âu theo tiêu chuẩn EU-GMP.
Các chuyên gia đánh giá đây là lợi thế của Imexpharm khi chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp trong nước đạt được. Thuốc sản xuất trên dây chuyền chuẩn EU-GMP được dự thầu gói thuốc generic nhóm 1 (đối với thuốc có visa xuất khẩu nước SRA) và nhóm 2. Mặt khác, nền tảng này giúp Imexpharm có năng lực sản xuất tốt và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế để mở ra cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng thuốc toàn cầu.
Theo đại diện Imexpharm, lợi thế này có được nhờ Imexpharm đã kiên trì theo đuổi chiến lược đầu tư cho các sản phẩm thuốc chất lượng cao, cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm thuốc ngoại nhập trong suốt 20 năm qua, đồng thời mang lại cơ hội cho người dân được tiếp cận với các loại thuốc tốt nhưng với chi phí hợp lý, hình thành một nền y tế chăm sóc sức khoẻ bền vững tại Việt Nam.
Thanh Mai