Không lích kích giấy tờ, hợp đồng, Lại Thu Hoài - tư vấn viên 27 tuổi của hãng bảo hiểm Manulife trao đổi với khách hàng ngay trên máy tính bảng từ 2 năm nay.
Từ ngày có công cụ bán hàng điện tử, công việc của Hoài trở nên đơn giản hơn. Không mất thời gian in hợp đồng, viết tay sổ sách, mọi quy trình bán hàng truyền thống đều tích hợp trên ứng dụng. Chỉ với một chiếc máy tính bảng, laptop, cô có thể tìm kiếm khách hàng tiềm năng, đặt hẹn, thu thập thông tin, phân tích nhu cầu, trao hợp đồng hay chăm sóc khách hàng.
"Công việc linh hoạt, chủ động hơn khi có thể hẹn gặp khách hàng mọi lúc, mọi nơi, thậm chí có thể tư vấn online. Ứng dụng này còn đóng vai trò như một trợ lý ảo, giúp ích nhiều cho tư vấn viên trong quá trình trao đổi, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh cần giãn cách xã hội", Hoài chia sẻ.
Chị Nguyễn Tâm Anh - khách hàng của Hoài, đánh giá cao việc Manulife ứng dụng công nghệ trong các hoạt động tư vấn, bồi thưởng bảo hiểm. Để mua sản phẩm bảo hiểm, chị chỉ cần hoàn tất đơn yêu cầu bảo hiểm trực tuyến ngay trên ứng dụng, hồ sơ cũng sẽ được thẩm định tự động và có thể thanh toán ngay. Ngay sau đó, khách hàng nhận một hợp đồng điện tử qua email, giúp rút ngắn đáng kể thời gian mua hợp đồng bảo hiểm so với thời gian vài ngày của phương thức truyền thống.
"Việc bồi thường bảo hiểm cũng đơn giản hơn nhờ ứng dụng eClaims. Mọi lần, tôi phải gửi chứng từ gốc đến tận nơi, chờ thanh toán. Tuy nhiên, bây giờ có thể nộp yêu cầu bồi thường trực tuyến mọi lúc mọi nơi và có ngay phản hồi về kết quả bồi thường", chị nhấn mạnh thêm.
Không riêng Manulife, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam cũng đang chạy đua với công nghệ. Những tên tuổi lớn như AIA, Generali, Prudential... đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ với kỳ vọng giành nhiều thị phần hơn khi chiếm được lòng tin khách hàng.
Insurtech ngày càng phát triển mạnh tại Việt Nam. Ảnh: Insurance Journal.
Làn sóng ứng dụng công nghệ trong bảo hiểm (Insurtech) đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Những công nghệ mới liên quan đến dữ liệu lớn (big data), trí thông minh nhân tạo (AI), công nghệ kỹ thuật số (digital technologies), di động viễn thông (telematics)... thay đổi bộ mặt của lĩnh vực này từng ngày, bắt đầu từ việc ứng dụng công nghệ vào giai đoạn phân tích nhu cầu tham gia bảo hiểm của khách hàng với các ứng dụng thông minh như ePOS của Manulife, Genova của Generali, My AIA của AIA...
Các khâu giải quyết bồi thường, phê duyệt hợp đồng, thanh toán phí, kết nối khách hàng... cũng được giải quyết nhanh chóng nhờ công nghệ. Nếu như trước đây, để phát hành một bộ hợp đồng bảo hiểm, đội ngũ tư vấn viên phải thu thập đủ hồ sơ và chứng từ bằng giấy, mang đến văn phòng đại lý và chờ đợi đến lượt thẩm định. Giờ đây, các bước này có thể làm trực tiếp ngay trên ứng dụng, tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí cho cả khách hàng và tư vấn viên.
Theo thống kê của Manulife, hơn 65% trên tổng số đơn yêu cầu bồi thường hợp lệ được nộp qua giải pháp eClaims. Kết quả là điểm số hài lòng của khách hàng trong giao dịch với Manulife tăng 32% vào quý I/2019. Còn với Prudential, hơn 80% hồ sơ yêu cầu bảo hiểm được nộp trực tuyến.
Một số doanh nghiệp tập trung phát triển công nghệ, ưu tiên những công nghệ mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng và đội ngũ tư vấn viên. Nhiều hãng lớn còn phát triển các chương trình huấn luyện và đào tạo đại lý thông qua các phần mềm thông minh trên thiết bị di động như iPhone, iPad... Trong đó, Manulife phát triển ứng dụng Genie có tính năng như một trợ lý số hóa dành riêng cho đại lý, giúp họ kết nối với mạng lưới sinh thái tổng thể của Manulife Việt Nam để phục vụ khách hàng, đồng thời có thể hỗ trợ hoạt động E-learning, đào tạo trực tuyến.
Đa dạng hơn, một số công ty bảo hiểm còn phát triển những ứng dụng theo dõi sức khỏe, khuyến khích khách hàng và cả những người chưa phải khách hàng tham gia. Chẳng hạn, ứng dụng Move của Manulife, ứng dụng Genvita của Generali. BIDV MetLife cũng ra mắt trang thông tin "Cùng định hướng tương lai hạnh phúc", giúp khách hàng có lối sống lành mạnh và khỏe mạnh hơn.
Không riêng bảo hiểm nhân thọ, nhiều công ty bảo hiểm truyền thống cũng bắt đầu thích ứng với công nghệ nhằm tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng. Tiêu biểu, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) phối hợp cùng một công ty khởi nghiệp Insurtech của Hàn Quốc - triển khai gói bảo hiểm trên di động dành cho khách hàng có mức thu nhập trung bình tại các nước đang phát triển. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn hợp tác với 2 start-up Insurtech của Việt Nam là để cung cấp và triển khai các sản phẩm bảo hiểm tại nông thôn, sản phẩm bảo hiểm tai nạn hộ gia đình, bảo hiểm viện phí...
Giới chuyên gia đánh giá, làn sóng Insurtech sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới khi mô hình này giúp các doanh nghiệp nâng cao dòng doanh thu cũng như chất lượng hoạt động và tính năng lợi ích cho khách hàng. Năm 2018, tổng phí bảo hiểm khai thác qua Insurtech dự báo đạt khoảng 187 tỷ USD, chiếm 4% tổng phí toàn cầu. Dự báo đến năm 2023, con số này vượt ngưỡng 400 tỷ USD, chiếm 7% tổng phí.
Với quy mô dân số hơn 97 triệu người, tầng lớp thu nhập khá giả cũng đang tăng lên nhanh chóng, kéo theo sự gia tăng đáng kể về nhu cầu bảo hiểm, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, Insurtech sẽ tạo ra cuộc cách mạng cho thị trường bảo hiểm Việt.
Tâm AnhTrở lại Kinh doanhTrở lại Kinh doanhChia sẻ ×
Nguồn vnexpress.net