TTO - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị áp thuế mặt hàng phân bón nhằm hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước giảm khó khăn cho nông dân.
Giá phân bón tăng cao làm chi phí sản xuất nông nghiệp tăng theo - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đây là kiến nghị trong văn bản Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) vừa gửi Bộ Tài chính vềtình hình sử dụng phân bónnăm 2021, dự báo nhu cầu sử dụng phân bón trong nước năm 2022.
Cụ thể, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý để tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân trong điều kiện giá phân bón tăng cao và khan hiếm như hiện nay.
Đồng thời, nghiên cứu xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón urê, DAP, MAP và phối hợp với các bộ, ngành có các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với phân urê, DAP, MAP để đảm bảo nguồn cung trong nước trong tình hình nguồn cung phân bón khan hiếm như hiện nay.
Theo quy định hiện tại, phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng. Điều này đã và đang gây nhiều bức xúc đối với nông dân và cả doanh nghiệp, bởi khi nằm trong nhóm không phải chịu thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp sản xuất phân bón không được kê khai, khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào, doanh nghiệp phải tính vào chi phí, khiến giá thành tăng.
Khi giá thành tăng cao, doanh nghiệp khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu, người nông dân sẽ phải mua hàng với giá cao.
Theo Bộ NN&PTNT, hằng năm, Việt Nam sử dụng trung bình trên 10 triệu tấn phân bón sản xuất công nghiệp. Năm 2021, lượng phân bón sử dụng là 10,7 triệu tấn.
Trong đó, lượng phân bón sản xuất trong nước 7,2 triệu tấn, nhập khẩu 5,1 triệu tấn, xuất khẩu 1,6 triệu tấn. Dự báo nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp năm 2022 không có biến động lớn so với năm 2021.
Từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón trên thị trường thế giới và trong nước liên tục tăng cao, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, sức cạnh tranh của hàng nông sản và đời sống người nông dân, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do tác động của thiên tai, dịch bệnh kéo dài.
Trước tình hình xung đột giữa Nga - Ukraine, thị trường phân bón thế giới vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh COVID-19 kéo dài làm thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng, nay lại càng nặng nề hơn do chiến sự Nga - Ukraine nổ ra từ ngày 24-2.
Kèm theo đó, hàng loạt các biện pháp trừng phạt của Mỹ, EU đối với Nga tác động mạnh đến thị trường phân bón thế giới về suy giảm nguồn cung và tăng giá. Trong thời gian tới, thị trường phân bón vẫn diễn biến phức tạp, khó lường về giá và nguồn cung.
Đặc biệt, phân kali do cả Nga và Belarus sản xuất chiếm gần 50% lượng phân kali cung cấp trên toàn thế giới và Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu phân bón này.Giá phân bón tăng cao, làm chi phí sản xuất nông nghiệp tăng theo, người nông dân sẽ là những đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất.Giá phân bón thế giới tăng cao nhất mọi thời đại
TTO - Nông dân trên khắp thế giới đang cảm nhận sức nóng của giá phân bón - hiện đã vọt lên mức cao nhất mọi thời đại, gây ra lo ngại về tình trạng thiếu lương thực toàn cầu.
CHÂM NGUYỄN - C.TUỆ
Nguồn tuoitre.vn