Do tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Mỹ, chuyên gia kỳ vọng Tổng thống tiếp theo của Mỹ sẽ "dọn dẹp" lại những cáo buộc về thao túng tiền tệ lên Việt Nam.
Trong báo cáo bán niên về ngoại hối phát hành ngày 16/12, Bộ Tài chính Mỹ xác định Việt Nam là quốc gia thao túng tiền tệ.
Cụ thể, Việt Nam đáp ứng cả ba tiêu chí theo đạo luật 2015 của Mỹ trong bốn quý tính đến tháng 6/2020: Một là, thặng dư thương mại hàng hóa với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD. Hai là, thặng dư cán cân tài khoản vãng lai ít nhất 2% GDP. Ba là, tổng lượng ngoại tệ mua ròng ít nhất 2% GDP.
Theo các chuyên gia chứng khoán Rồng Việt (VDSC), việc bị dán nhãn thao túng tiền tệ không quá bất ngờ bởi nhóm phân tích đã cảnh báo nhà đầu tư từ trước rằng đây là một rủi ro tiềm tàng của Việt Nam. Lần cập nhật này, VDSC đã đưa ra những bình luận về các diễn biến tiếp theo và các kịch bản có thể xảy ra sau sự kiện này.
Việc bị dãn nhãn thao túng tiền tệ ảnh hưởng đáng kể đến hàng hóa Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ
Theo đạo luật 2015, khi một quốc gia bị dán nhãn thao túng tiền tệ, Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiến hành đàm phán với quốc gia đó tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hoặc đàm phán song phương để đảm bảo quốc gia này điều chỉnh tỷ giá giữa đồng tiền của họ với đồng USD.
Nếu không có sự thay đổi nào trong vòng một năm, Tổng thống Mỹ sẽ tiến hành một hoặc nhiều hành động sau: Thứ nhất, từ chối cho quốc gia này tiếp cận các khoản tài trợ đầu tư tư nhân; Thứ hai, loại bỏ quốc gia này khỏi mua sắm công của Chính phủ Mỹ; Thứ ba, yêu cầu sự giám sát sát sao từ IMF; Thứ tư, yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ đưa yếu tố đồng tiền bị định giá thấp vào việc đàm phán thỏa thuận thương mại với Mỹ (nếu có).
Dựa trên những quy định này, kịch bản khả thi nhất trong ngắn hạn sẽ là Chính phủ Việt Nam và Mỹ cùng ngồi vào bàn đàm phán để điều chỉnh chính sách quản lý ngoại hối, kỳ vọng diễn ra trong thời gian sớm nhất vào cuối tháng 12 này.
Một điểm quan trọng cần lưu ý là việc bị dán nhãn thao túng tiền tệ có thể thúc đẩy các cuộc điều tra tiếp theo lên sản phẩm của Việt Nam dựa trên luật mới được ban hành bởi chính quyền Tổng thống Trump trong tháng 4/2020.
Mặc dù nhiều chuyên gia về thương mại cho rằng luật mới này vi phạm quy ước thương mại quốc tế, VDSC cho rằng cần phải quan sát thêm liệu chính quyền mới của Mỹ có thay đổi luật này hay không.
Trong tháng 11/2020, Bộ Thương Mại Mỹ đã áp thuế sơ bộ từ 6,23-10,08% lên mặt hàng săm lốp xe tải và xe ô tô của Việt Nam, lần đầu tiên Chính phủ Mỹ cho phép áp dụng thuế chống trợ cấp lên quốc gia được cho là định giá thấp đồng tiền để tạo lợi thế trong hoạt động thương mại.
Hiện tại, chúng ta cần theo dõi kết quả cuối cùng của cuộc điều tra khởi xướng bởi Bộ Thương Mại Mỹ vào ngày 16/3/2021, sau khi Tổng thống được bầu tiếp quản Nhà Trắng, để xem liệu rằng có thay đổi nào trong chính sách của Mỹ hay không?
Một vấn đề đáng quan tâm khác theo VDSC là cuộc điều tra hiện tại đối với hành vi thao túng tiền tệ của Việt Nam được khởi xướng bởi Bộ Tài Chính Mỹ vào tháng 10/2020.
Theo nhận định của CSIS (Center For Strategic & International Studies), Bộ Tài Chính Mỹ có khả năng thực hiện kết hợp nhiều hành động tiếp theo sau cuộc điều tra này, gồm: 1) không có hành động cụ thể nào và chấm dứt cuộc điều tra; 2) tìm kiếm thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam để chấm dứt việc tiền đồng bị định giá thấp hoặc bồi thường những thiệt hại gây ra cho phía Mỹ; 3) đưa đơn kiện lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO); và 4) áp đặt thuế quan hoặc các biện pháp trừng phạt khác lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Cho đến hiện tại, lựa chọn của Bộ Tài chính Mỹ có thể phụ thuộc vào chính quyền Tổng thống Trump hoặc chính quyền mới của ông Biden.
Cụ thể, Bộ Tài chính Mỹ sẽ tổ chức phiên điều trần về cuộc điều tra trên vào ngày 29/12 sau đó tiến hành xem xét các lập luận phản đối trước ngày 7/1/2021. Lộ trình này cho phép Tổng thống đương nhiệm khoảng hai tuần để đưa ra áp đặt thuế quan lên hàng hóa Việt Nam trước khi ông Trump rời Nhà Trắng vào ngày 20/1/2021.
Nếu không có thuế quan nào được đưa ra bởi chính quyền Tổng thống Trump, VDSC kỳ vọng một chính sách ngoại giao mềm mỏng hơn dưới thời Tổng thống Biden và ông Biden có thể tiến hành đàm phán song phương với Chính phủ Việt Nam.
Trong các lập luận gửi đến Bộ Tài chính Mỹ liên quan đến cuộc điều tra thao túng tiền tệ của Việt Nam, liệu Việt Nam có hành vi thao túng tiền tệ hay không là một cuộc tranh luận gay gắt.
Trong kịch bản xấu về khả năng áp đặt thuế quan, chuyên gia VDSC kỳ vọng mức thuế áp đặt lên hàng hóa Việt Nam sẽ thấp hơn nhiều so với mức 25% mà chính quyền Tổng thống Trump đã áp dụng lên hàng hóa Trung Quốc trên cơ sở Bộ Tài chính Mỹ xác định tiền đồng chỉ bị định giá thấp khoảng 4,7% trong năm 2019. Tuy nhiên, VSDC cho rằng kịch bản này ít có khả năng xảy ra.
Với sự chuyển giao quyền lực sang chính quyền của ông Biden, Mỹ sẽ tiếp tục củng cố mối quan hệ kinh tế và chính trị với Việt Nam để ứng phó với một Trung Quốc đang ngày càng mạnh lên.
Do tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Mỹ, nhóm chuyên gia kỳ vọng Tổng thống tiếp theo của Mỹ sẽ "dọn dẹp" lại những cáo buộc về thao túng tiền tệ lên Việt Nam.
Mai Chi
Nguồn dantri.com.vn