Cần “đánh giá đúng sự thật” về Nhà Mạc trong Quốc sử và SGK

  • 14/12/2023 12:43:33

Trong bối cảnh mới, những kiến giải đáng chú ý của nhiều nhà sử học về Vương triều Mạc đã cung cấp cái nhìn khách quan về đóng góp của vương triều trong tiến trình lịch sử dân tộc, đặc biệt là phát triển kinh tế tư nhân và ngoại thương. Kết luận Hội thảo đã đề cập tới việc đưa những đánh giá công bằng hơn về Vương triều Mạc vào Quốc sử Việt Nam và Sách giáo khoa.

Cần “đánh giá đúng sự thật” về Nhà Mạc trong Quốc sử và SGK

Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên giaNhững góc nhìn kinh tế

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, GS-TSKH Vũ Minh Giang cho biết, trong lịch sử Việt Nam, Vương triều Mạc tồn tại 150 năm, bao gồm hai giai đoạn: 65 năm trị vì ở Thăng Long (1527 – 1592) và 85 năm đóng đô ở Cao Bằng (1592 – 1677).

Suốt thời kỳ đó, đặc biệt là giai đoạn cầm quyền ở Thăng Long, Triều Mạc đã có những đóng góp quan trọng trên nhiều phương diện đối với lịch sử đất nước. Tuy nhiên, do những hạn chế mang tính cố hữu, chủ yếu xuất phát bởi quan điểm chính trị từ thời Lê – Nguyễn, đã dẫn tới những nhận thức sai lệch, thiếu khách quan và không công bằng về Nhà Mạc.

Trong khoảng bốn thập niên trở lại đây, cùng với xu hướng phát triển đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam, dựa trên quan điểm đổi mới sử học và những thành tựu khoa học – công nghệ, nhận thức chung không chỉ giới nghiên cứu lịch sử, mà còn của cả xã hội đã từng bước thay đổi.

Cần “đánh giá đúng sự thật” về Nhà Mạc trong Quốc sử và SGK

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang phát biểu tại Hội thảo.

Nhận thức về Vương triều Mạc và thời đại nhà Mạc từng bước được nâng lên. Mọi khía cạnh về chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội Đại Việt thời Mạc được nghiên cứu, luận giải một cách khách quan, khoa học và toàn diện hơn, cho thấy cả những mặt tích cực và hạn chế của Nhà Mạc, từ đó đi tới những đánh giá gần với thực tế hơn về đóng góp của triều đại này đối với lịch sử dân tộc.

Năm 2010, giới sử học đã có Hội thảo lớn cung cấp nhiều tài liệu lịch sử có cái nhìn khách quan về Triều Mạc. Trong đó các yếu tố về phát triển kinh tế được nhấn mạnh.

Tại Hội thảo khoa học tầm quốc gia này, nhiều nhà sử học đã có tham luận về toàn cảnh sự đóng góp phát triển kinh tế, ngoại thương của Triều Mạc.

GS. TS Nguyễn Văn Kim - Đại học Quốc gia Hà Nội đã có tham luận nhấn mạnh: Triều Mạc duy trì quyền lực chỉ trong một khoảng thời gian tương đối ngắn nhưng đây giai đoạn mà thế giới phương Đông đang chuẩn bị cho một cuộc gặp gỡ lớn và đối diện với thế giới phương Tây. Với tầm nhìn hướng Đông, về phương diện quản lý, nhà Mạc đã khuyến khích nhiều hình thức kinh doanh, mở xưởng - đặc biệt là các xưởng gốm, lập phường buôn. Triều Mạc cũng cho phép dân chúng được mua bán ruộng đất, công nhận đất tư hữu, ban hành chế độ "lộc điền” phân chia ruộng đất cho các binh sĩ nhằm ưu đãi họ.

“Theo cách hiểu của chúng ta ngày nay chính sách đó là thể hiện một tư duy quản lý mới hết sức táo bạo của Vương triều Mạc. Có thể cho rằng chính quyền Thăng Long muốn tạo nên một cơ chế chế quản lý mới để nền kinh tế đất nước được phát triển một cách tự nhiên tuân theo quy luật điều tiết của thị trường”- GS-TS Nguyễn Văn Kim trình bày.

Cũng theo GS-TS Kim, khác với nhà Lê luôn theo đuổi nền kinh tế vương quyền, nhà Mạc đã nới lỏng cơ chế quản lý nhà nước tạo điều kiện và hơn thế là khuyến khích kinh tế tư nhân cùng những nhân tố kinh tế xã hội mới phát triển. Ông trích dẫn góc nhìn của GS Trần Quốc Vượng liên tưởng đến cái nhìn về biển của người gốc dân chài xứ Đông nhà Mạc mạnh hơn cái nhìn về biển của người gốc dân chài xứ Nam của nhà Trần và rõ ràng mạnh hơn hẳn cái nhìn về biển của người nông dân xứ Thanh của vua quan nhà Lê.

Chính nhờ chính sách kinh tế mở, rất nhiều thuyền buôn gốm sứ của Việt Nam thời bấy giờ đã tỏa đi nhiều nước trong khu vực mà rõ nét nhất là những khảo cổ ở Nhật Bản. GS Kim đã dẫn một số khảo cứu tài liệu của Nhật Bản phát hiện dấu ấn gốm sành của Việt Nam trong đời sống văn hóa Nhật Bản, đặc biệt là trà đạo và nghệ thuật cắm hoa, cho rằng các hiện vật gốm sành đó chính là sản phẩm xuất khẩu của thủ công mỹ nghệ Việt Nam sang Nhật Bản. Tại Nhật Bản cũng đã tìm thấy nhiều loại tiền của nhà Mạc.

Đặc biệt, tham luận đưa ra một chi tiết thú vị về “xây dựng thương hiệu” thời điểm đó. Tại bảo tàng lịch sử Việt Nam còn lưu giữ được 11 chân đèn và 2 lư hương có niên hiệu thời Mạc ghi rõ tên người và nơi sản xuất là nghệ nhân nổi tiếng Đặng Huyền Thông hay nghệ nhân Bùi Trác.

Với những thông tin toàn cảnh đó, GS Kim dẫn ý kiến của GS Trần Quốc Vượng: “Dương Kinh của nhà Mạc được xây dựng thành công, nếu nhà Mạc tồn tại lâu hơn nữa thì Đại Việt lần đầu tiên có kinh đô cảng công thương nghiệp miền Hải Dương và cả nước phát triển mạnh mẽ hơn và chắc trong lòng xã hội quân chủ quan liêu đã nảy sinh được những nhân tố mới của một phương thức sản xuất mới, quản lý mới”.

Như vậy, trong thế kỷ 16 dân tộc ta đã chuẩn bị được nhiều điều kiện căn bản cho một cuộc hội nhập lớn với nền kinh tế thị trường phổ quát được hình thành do sự kết nối giữa 2 trung tâm kinh tế thế giới Đông – Tây.

Những luận điểm này đã được các nhà sử học tham gia hội thảo và có tham luận ờ đều đồng tình, trong đó có các phát biểu của TS Phạm Hữu Thư - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Hải Phòng. Ông có bài phát biểu về chính sách kinh tế và tầm nhìn hướng biển của Vương triều Mạc.

PGS-TS Trần Nam Tiến - Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cũng đưa ra rất nhiều luận điểm về lịch sử và các tài liệu lịch sử chính thống của cả Việt Nam và thế giới để chứng minh vấn đề và công lao của nhà Mạc trong việc hình thành giao thương ngoại thương phát triển các làng nghề và các đoàn thuyền buôn thời nhà mạc trong bối cảnh sơ kỳ toàn cầu hóa ở Đông Nam Á.

Cần “đánh giá đúng sự thật” về Nhà Mạc trong Quốc sử và SGK

Đại diện Hội đồng Mạc tộc, Tiến sĩ Hoàng Văn Kể bày tỏ: Nhà Mạc ra đời là một điều tất yếu của lịch sử. Việc nhiều thế kỷ qua, lịch sử gán ghép cho nhà Mạc là ngụy triều, các vị Vua triều Mạc và con cháu các Ngài phải thay tên đổi họ chịu nhiều oan ức là không thỏa đáng, không công bằng.

Điều đáng mừng là con cháu Mạc tộc dù đã thay tên đổi họ, sinh sống ở khắp cả nước, trong đó có cả Thanh Hóa, Nghệ An và ở Trung Quốc - đều tìm về nguồn cội và mong muốn “đánh giá đúng sự thật” về cha ông mình.

Ông cho rằng đã đến lúc cần phải đánh giá lịch sử một cách khách quan, công bằng hơn theo các quan điểm đổi mới của Đảng.

Tại Hội thảo này, ông bày tỏ niềm tin tưởng khi các nhà sử học – thông qua nhiều tư liệu lịch sử mới, đã đánh giá đúng vai trò nhà Mạc trong các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế.

Theo ông, cùng với chính sách trọng nông nhưng Triều Mạc không ức thương mà cho phép hàng hóa sản vật dư thừa làm ra được trao đổi buôn bán giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Nhà Mạc còn cho xây dựng nhiều chợ quán cảng thị hoạt động buôn bán tấp nập sầm uất cả ở trong nước và với thương gia nước ngoài.

Trong thời kỳ nhà Mạc, rất nhiều làng nghề, ngành nghề truyền thống được duy trì, hàng hóa sản xuất ra được ghi tên người chế tạo, ghi tên người đặt hàng thể hiện xuất xứ thương hiệu hàng hoá. Đó là một bước tiến lớn trong các triều đại phong kiến Việt Nam.

Vì vậy, trong hội thảo này ông đã kiến nghị giới sử gia nước nhà cùng với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sớm có giải pháp và lộ trình hợp lý, tích cực, hiệu quả để chỉnh lý lịch sử về nhà Mạc các vị vua nhà Mạc sao cho đúng với thực tế lịch sử đã được làm rõ. Cùng với đó, ông đề nghị tiếp tục nghiên cứu nhiều di sản nhà Mạc, đặc biệt là giai đoạn ở Cao Bằng và thực hiện xếp hạng để quản lý bảo tồn phát huy theo Luật Di sản.

Đồng tình với kiến nghị này, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, Hội thảo góp phần cho việc nhìn nhận khách quan, công bằng đối với sự đóng góp của Vương triều Mạc và cần được thể hiện xứng tầm trong bộ Quốc sử của nước ta.

Cần “đánh giá đúng sự thật” về Nhà Mạc trong Quốc sử và SGK

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Từ góc nhìn khoa học, Bộ trưởng Bộ GD& ĐT Nguyễn Kim Sơn và Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh về góc nhìn về yếu tố gọi là văn hóa vùng xứ Đông với những con người hào sảng, mạnh mẽ và phá cách đã đóng góp cho các yếu tố phát triển mới của nền phong kiến Việt Nam thế kỷ 16. Nghiên cứu yếu tố đó sẽ có ích cho định hướng phát triển của ngày hôm nay.

Kết luận Hội thảo với 10 tham luận trình bày, 8 ý kiến trao đổi và gần 60 báo cáo tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ nhiều cơ quan trên khắp cả nước, GS-TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh về công cuộc canh tân đất nước thời Mạc và những di sản, kinh nghiệm cho ngày nay. Qua đây có nhiều phát hiện và kiến giải mới góp phần nâng cao nhận thức khoa học và giải quyết các yêu cầu thực tiễn của địa phương và đất nước.

Ông cũng ghi nhận sự đồng thuận của các nhà sử học về thành tựu phát triển kinh tế hướng biển, kinh tế tư nhân của Nhà Mạc và đề xuất đưa những kết quả nghiên cứu và những đánh giá khách quan này vào bộ Quốc sử của Việt Nam và sách giáo khoa.

Tại thành phố Hải Phòng, trong những năm qua, chính quyền và nhiều đơn vị cùng với Hội đồng Mạc tộc đã có những hoạt động, những việc làm cụ thể, nhằm tôn vinh sự đóng góp và những di sản của Vương triều này để lại.

Tiêu biểu là các cuộc hội thảo về thân thế, sự nghiệp của Mạc Thái Tổ, Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, Ninh Vương Mạc Phúc Tư, Phật giáo thời Mạc, chợ thời Mạc hoặc dành một chương biên soạn về nhà Mạc trong bộ Lịch sử Hải Phòng 4 tập, xuất bản đầu năm 2021, đưa vào Tài liệu giáo dục địa phương (môn Lịch sử).

Nhiều di sản nhà Mạc để lại đã được tôn vinh, như xây dựng Khu Tưởng niệm trên địa bàn cố đô Dương Kinh xưa, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng cấp quốc gia, cấp thành phố, công nhận Bảo vật Quốc gia, duy trì Lễ hội Minh Thệ (Di sản văn hóa phi vật thể), đặt tên những danh nhân thời Mạc cho đường, phố và công trình công cộng.

Minh Chi - ANTV

Nguồn giadinhonline.vn

Tin Cùng Mục

Tin Mới Nhất

Cần “đánh giá đúng sự thật” về Nhà Mạc trong Quốc sử và SGK - Đời Sống

  • Tin Mới Nhất
  • Đọc Nhiều