Tim Cook từng khẳng định tính riêng tư là một trong những quyền con người không thể xâm phạm nhưng cũng mang tới nhiều hệ quả với người dùng.
Tim Cook, một trong những CEO có sức ảnh hưởng nhất thế giới, đã vận động thực thi những đạo luật bảo vệ dữ liệu người dùng, vạch ra ranh giới giữa Apple và phần còn lại của Thung lũng Silicon. Người khổng lồ công nghệ này còn từng đối đầu với chính quyền khi từ chối xâm nhập iPhone của tội phạm theo yêu cầu của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).
Ông tỏ ra rất chân thành với niềm tin vào quyền riêng tư, nhưng thực tế, các giá trị này cũng phục vụ lợi ích kinh doanh của Apple.
Quyền riêng tư ngày càng xuất hiện nhiều trong chiến lược quảng cáo của Apple, cũng là công cụ hiệu quả để đối đầu với Facebook và Google - những tập đoàn chuyên bán quyền tiếp cận người dùng Internet cho các nhà quảng cáo.
Zuckerberg (trái) và Cookcó quan điểm khác biệt về quyền riêng tư. Ảnh: Medium.
Apple khẳng định mọi nhà phát triển muốn tiếp cận người dùng đều phải bán sản phẩm qua App Store với lý do những cổng bán hàng khác không tuân thủ quy định riêng tư chặt chẽ của hãng. Gói cập nhật iOS sắp được tung ra sẽ ngăn các nhà quảng cáo theo dõi người dùng trên nhiều ứng dụng. Thay đổi này được nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, nó cũng bị chỉ trích rằng giúp Apple tăng doanh số bán hàng bằng cách hy sinh các nhà phát triển vốn dựa vào quảng cáo trong ứng dụng.
Apple đúng khi khẳng định vai trò "người bảo vệ" của App Store, ngăn những kẻ lừa đảo và đánh cắp dữ liệu. Việc giảm quyền kiểm soát bằng cách chấp nhận những cổng ứng dụng khác sẽ đặt người dùng vào vòng nguy hiểm. Nguy cơ tương tự cũng xảy đến nếu các chính phủ buộc Apple nới lỏng quy định.
Nhà sản xuất iPhone hiện là ví dụ duy nhất cho thấy một công ty ở Thung lũng Silicon đề cao quyền riêng tư.
Google, vốn từng dính vào nhiều tranh cãi với dữ liệu người dùng, cũng bắt đầu theo đuổi vấn đề riêng tư này. Công ty tìm kiếm lớn nhất thế giới dự kiến chặn những công nghệ theo dõi như cookie bên thứ ba trên trình duyệt Chrome từ năm sau, đồng thời khẳng định hệ thống quảng cáo sẽ không hỗ trợ những sản phẩm dùng lịch sử truy cập của người dùng.
Động thái này được hoan nghênh, nhưng nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng nó phục vụ lợi ích của chính Google. Chính sách mới sẽ buộc các nhà quảng cáo dùng công nghệ "privacy sandbox" do Google phát triển.
Tổ chức Electronic Frontier Foundation cho rằng điều này không thực sự đổi mới cho người dùng, nhưng là bước thay đổi tốt hơn cho Google. Cơ quan giám sát cạnh tranh thị trường của Anh đang điều tra chính sách mới của hãng tìm kiếm Mỹ, sau khi nhận được nhiều đơn kiến nghị từ các tập đoàn tin tức và quảng cáo, bày tỏ lo ngại rằng quyền riêng tư trở thành vũ khí đe dọa đối thủ cạnh tranh.
Những đạo luật mới cũng có nguy cơ rơi vào "cái bẫy". Luật bảo vệ dữ liệu chung của Liên minh châu Âu (GDPR) đã dẫn tới nhiều vấn đề và càng củng cố vị thế thống trị thị trường quảng cáo của Facebook và Google.
Hiện tại, Facebook đang tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của những doanh nghiệp nhỏ mà họ cho là phải trông đợi vào quảng cáo cá nhân hóa. Song song đó, công ty cáo buộc động thái của Apple có thể ảnh hưởng tới GDP quốc gia. Nói cách khác, Facebook cho rằng nên từ bỏ một phần riêng tư trên mạng.
Kế hoạch bổ sung mã hóa đầu cuối vào Messenger của Facebook cũng sẽ tạo ra những vấn đề lớn cho các cơ quan hành pháp, bởi đây là một trong những ứng dụng được dùng nhiều nhất để bắt tội phạm.
Các tập đoàn công nghệ lớn sớm hay muộn sẽ phải đề cao quyền riêng tư của người dùng - đây là điều tốt. Nhưng người dùng cũng cần thừa nhận rằng điều này cũng dẫn tới ít cạnh tranh và phát kiến mới.
Điệp Anh (Theo Telegraph)Trở lại Số hóaTrở lại Số hóaChia sẻ ×
Nguồn vnexpress.net