Bộ Công Thương vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc nghiên cứu xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, trong đó có phương án có thể qua đường dây riêng, không do EVN quản lý.
Tại báo cáo này, Bộ Công Thương đưa ra hai trường hợp mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn thuộc nhóm sản xuất.
Trường hợp 1: Mua bán điện thông qua đường dây riêng do tư nhân đầu tư
Với trường hợp này, đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn khi mua bán điện không bị giới hạn về các điều kiện như công suất, sản lượng, cấp điện áp đấu nối, mục đích sử dụng điện v.v...
Đơn vị phát điện có trách nhiệm thực hiện việc đầu tư xây dựng dự án điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực; phải thực hiện quy định về cấp phép hoạt động điện lực. Đơn vị phát điện và khách hàng có trách nhiệm thực hiện các quy định về mua bán điện, giá bán điện theo quy định.
Giá bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện lớn được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1062/QĐ-BCT ngày 4/5 (giá bán lẻ điện bình quân 1.920,3732 đồng/kWh) và các Thông tư của Bộ Công Thương.
Cơ chế mua bán trực tiếp điện tái tạo vẫn đang chờ được triển khai.
Trường hợp 2: Mua bán điện thông qua hệ thống lưới điện quốc gia giữa đơn vị phát điện và khách hàng.
Trường hợp này, bên phát điện và bên mua điện vẫn phải thông qua đơn vị bán lẻ điện (hiện EVN độc quyền), tức là người mua và người bán không giao dịch trực tiếp với nhau như trường hợp 1.
Trường hợp này cũng kèm theo nhiều điều kiện với người mua và người bán.
Yêu cầu đặt ra là đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện gió hoặc mặt trời phải đấu nối vào hệ thống điện quốc gia và có công suất đặt từ 10MW trở lên. Còn khách hàng sử dụng điện lớn là các tổ chức, cá nhân đang mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất từ cấp điện áp từ 22kV trở lên.
Với trường hợp này, trong giai đoạn khi Luật Giá và các văn bản hướng dẫn các loại giá và phí quan chưa có hiệu lực, đơn vị bán lẻ điện thực hiện phân phối, cung cấp điện cho khách hàng để đáp ứng toàn bộ nhu cầu sử dụng điện cho hoạt động sản xuất của khách hàng theo giá bán lẻ điện quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Trong giai đoạn kể từ thời điểm Luật Giá và các văn bản hướng dẫn các loại giá và phí liên quan có hiệu lực, đơn vị bán lẻ điện và khách hàng mua điện theo giá điện phản ánh đúng và đầy đủ theo các khoản phí trên thị trường điện giao ngay cộng với các loại giá dịch vụ (giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện...).
Từ năm 2017, Bộ Công Thương đã giao Cục Điều tiết điện lực tổ chức thực hiện dự án nghiên cứu xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện. Nhưng đến nay cơ chế này vẫn chưa được ban hành, trong khi nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước rất mong ngóng. Để triển khai “Cơ chế mua bán điện trực tiếp” này, Bộ Công Thương cho rằng cần thiết phải xây dựng và ban hành nghị định của Chính phủ để hướng dẫn chi tiết. Do tính cấp thiết cần có cơ chế, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. |
Cơ chế mua điện 'trực tiếp' không qua EVN: Hơn nửa thập kỷ vẫn tắcViệc thực hiện thí điểm mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện sau nhiều năm nghiên cứu vẫn đang 'tắc'. Với thiết kế mới, việc mua bán điện 'trực tiếp' cũng không còn ý nghĩa như ban đầu.
Bình luận
Nguồn vietnamnet.vn