Thị trường địa ốc vùng ven tăng trưởng cả về nguồn cung và thanh khoản, khiến giới đầu tư xem đây là "bến đỗ" mới cho dòng tiền.
Trong bối cảnh Covid-19 đang tiếp diễn và nhiều nhà đầu tư còn mang tâm lý dò xét, ông Phạm Bình Minh, một nhà đầu tư dày dặn tại Hà Nội cho đây là cơ hội và rót vốn vào dự án đô thị tại phường Hà Khánh, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.
Củng cố cho quyết định đầu tư của ông này là hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện. "5 năm trước tôi mất 3 - 4 giờ để đi từ Hà Nội về Hạ Long, còn hiện tại chỉ mất 1/3 quãng thời gian đó", ông Minh nói. Vị này cũng đặt niềm tin vào sự phục hồi và phát triển của du lịch Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung, sau khi đại dịch hoàn toàn được khống chế.
Phối cảnh dự án FLC Tropical City tại Hạ Long.
Thời gian qua, không ít nhà đầu tư miền Bắc như ông Minh đánh giá cao tiềm năng của Hạ Long và rót vốn vào thị trường này. Ghi nhận tại một số sàn phân phối, nhiều dự án đô thị và nghỉ dưỡng Hạ Long có sức hút lớn bởi mức giá hợp lý, nhiều tiềm năng nhờ du lịch phát triển. Những tháng cuối năm, một số dự án tại Hà Khánh thậm chí có tỷ lệ hấp thụ 100%.
Câu chuyện đầu tư tại Hạ Long là một trong những minh họa rõ nét cho trào lưu dòng vốn đầu tư "di cư" đến các tỉnh lân cận Hà Nội.
"Cơn sốt bất động sản vùng ven không chỉ lan rộng tại ngoại thành Hà Nội như Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng và Gia Lâm, mà còn xuất hiện tại các tỉnh, thành miền Bắc như Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Ninh", ông Nguyễn Quốc Bảo, giám đốc một sàn địa ốc nhận định. Ông Bảo dẫn chứng nhiều khu vực vùng ven Hà Nội, mức giá thậm chí cao hơn giá các dự án nằm trong khu vực giữa vành đai 2 và vành đai 3, khi chung cư ở mức 50-60 triệu đồng/m2 và 200-300 triệu đồng/m2 cho shophouse.
Tương tự với xu hướng ly tâm tại miền Bắc, các tỉnh thành lân cận TP HCM cũng trong cơn sốt giá. Trong ba năm qua, thị trường căn hộ tại Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Long An... ngày càng sôi động. Tâm điểm của thị trường phía Nam là Bình Dương. Theo CBRE, 10 tháng đầu năm nay, nguồn cung căn hộ tại "thủ phủ công nghiệp" phía Nam gấp đôi tổng nguồn cung căn hộ 10 năm trước. 55% trong số này tập trung tại Thuận An và Dĩ An, tỷ lệ hấp thụ đến 97%.
Việc các doanh nghiệp bất động sản di chuyển ra vùng ven không phải trào lưu mới mà đã diễn biến nhiều năm nay. Theo báo cáo ngành của VnDirect, đây cũng là một trong ba xu hướng chính sẽ định hình thị trường bất động sản trong năm 2021.
Theo giới chuyên gia, khi thị trường gặp khó khăn về nguồn cung, vấn đề pháp lý liên quan đến phát triển dự án, các chủ đầu tư chủ động dịch chuyển ra thị trường ven đô. Đây cũng là cách nhiều doanh nghiệp chủ động thích nghi và tồn tại.
Một trong những doanh nghiệp theo hướng đi này là FLC. Sau Thanh Hoá, Bình Định, Quảng Ninh, FLC đang triển khai dự án tại nhiều vùng đất mới như Quảng Bình, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Đồng Tháp... Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết mục tiêu đầu tư lâu dài để đưa các thị trường này phát triển mạnh mẽ như các "hiện tượng" Sầm Sơn (Thanh Hóa), Quy Nhơn (Bình Định) vừa qua.
"Một địa phương có thể thu hút nhà đầu tư, nhà phát triển dự án thì quan trọng nhất là môi trường đầu tư công bằng, minh bạch của chính quyền tỉnh đối với doanh nghiệp. Nếu được coi là nhà đầu tư chiến lược, chúng tôi sẵn sàng dốc toàn tâm, toàn lực vào thị trường đó", ông Quyết chia sẻ trong một tọa đàm.
Hoài Phong
Trong xu hướng chung của thị trường địa ốc, các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần làm gì để nắm bắt cơ hội phục hồi và đón đầu giai đoạn phát triển mới? Thị trường nào là điểm sáng mới của thị trường trong năm 2021? Những câu hỏi này sẽ được giải đáp trong tọa đàm "Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới" diễn ra trong ngày 5/1, tại quần thể FLC Vĩnh Phúc (Vĩnh Phúc). Sự kiện được truyền tải trực tiếp trên VnExpress.
Trở lại Kinh doanhTrở lại Kinh doanhChia sẻ ×
Nguồn vnexpress.net